10 tư duy lập pháp kỳ lạ


Trong hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định tốt nhất và tồi nhất (Top Ten Regulations) diễn ra gần đây tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã phải thốt lên: “Chất lượng văn bản pháp luật của Việt Nam nhìn chung là tồi”. Nhưng vì sao lại tồi? Ông Cung cho rằng điều này xuất phát từ tư duy làm luật có vấn đề.

siêu thị
Nếu muốn bảo vệ người tiêu dùng, thay vì hạn chế số lượng doanh nghiệp, Nhà nước nên yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về hàng hóa dịch vụ của mình. Ảnh: HÙNG LÊ
Quả thật, người viết thường xuyên làm việc cùng các bộ ngành trong công tác xây dựng pháp luật đôi khi cũng cảm thấy tư duy làm luật của Việt Nam có vấn đề. Bài viết này chỉ ra một số tư duy lập pháp khá kỳ lạ mà người viết được nghe từ nhiều cơ quan soạn thảo khác nhau. Đây chỉ là những tổng kết dựa trên kinh nghiệm cá nhân, không phải là kết quả khảo sát thống kê đầy đủ.

Quy định như vậy là để bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước

Đây là một lập luận rất phổ biến của nhiều ban soạn thảo, và nó sai về tư duy. Quản lý nhà nước chỉ là công cụ, chứ không phải mục tiêu. Mục tiêu chính sách là những gì mà người dân và doanh nghiệp nhận được như: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư… Còn quản lý nhà nước chỉ là một trong những phương cách để đạt được các mục tiêu đó.

Nếu không hạn chế thì doanh nghiệp sẽ cạnh tranh không lành mạnh

Đúng là nếu Nhà nước không hạn chế thì các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh với nhau, bao gồm cả cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh là việc nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, giảm giá bán. Còn cạnh tranh không lành mạnh như ngăn cản đối thủ tiếp cận người tiêu dùng, phá hoại công việc kinh doanh của doanh nghiệp khác... Trách nhiệm của Nhà nước nên hạn chế cạnh tranh không lành mạnh và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh chứ không nên triệt tiêu cạnh tranh.

Nếu không hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa trên thị trường gây lãng phí

Khi quyết định đầu tư, không một doanh nghiệp nào muốn tiền của mình bị lãng phí. Nếu thị trường bị dư thừa là do một số doanh nghiệp không dự đoán được nhu cầu cũng như năng lực của các đối thủ cạnh tranh khác. Nhà nước có thể giúp doanh nghiệp bằng cách cung cấp thông tin về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cũng như dự đoán nhu cầu của thị trường. Tất cả công việc này chỉ nên mang tính khuyến cáo, chứ không nên bắt buộc.

Nếu cho phép doanh nghiệp không đủ năng lực kinh doanh hoặc kế hoạch kinh doanh không khả thi thì họ sẽ dễ bị phá sản

Lập luận này cũng mắc lỗi tư duy tương tự như trên. Người bỏ tiền ra sẽ là người lo lắng cho đồng tiền của mình nhiều nhất. Nhà nước không nên và cũng không thể lo lắng thay cho doanh nghiệp xem kế hoạch kinh doanh của họ có khả thi hay không.

Quy định như vậy để ngăn chặn các doanh nghiệp nhỏ làm ăn chụp giật, gian dối, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng

Không có mối quan hệ giữa việc doanh nghiệp nhỏ sẽ làm ăn chụp giật, gian dối, không bảo đảm an toàn, còn doanh nghiệp lớn thì không như vậy. Nhà nước chỉ nên hạn chế các hành vi chụp giật, gian đối, gây mất an toàn của mọi doanh nghiệp, không nên phân biệt quy mô lớn nhỏ.

Có quá nhiều doanh nghiệp sẽ gây hỗn loạn thị trường, không bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng

Có nhiều doanh nghiệp trên thị trường là điều tốt, vì sẽ làm tăng tính cạnh tranh của cả nền kinh tế, tăng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng.
Nếu muốn bảo vệ người tiêu dùng, thay vì hạn chế số lượng doanh nghiệp, Nhà nước nên yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về hàng hóa dịch vụ của mình. Có thể bằng biện pháp dán nhãn kiểm định, ghi rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của hàng hóa. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn trên cơ sở các thông tin đó. Nhà nước chỉ cần xử lý doanh nghiệp nào không ghi nhãn hoặc ghi không chính xác.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực cũng ủng hộ đặt điều kiện kinh doanh cao để giảm số lượng nhà cung cấp

Ở đây có một mâu thuẫn. Các doanh nghiệp đang kinh doanh trong một lĩnh vực thường ủng hộ các điều kiện kinh doanh mới mà Nhà nước đặt ra. Đơn giản vì các điều kiện này sẽ hạn chế các doanh nghiệp khác gia nhập thị trường và họ sẽ đỡ phải chịu áp lực cạnh tranh. Còn những người chưa gia nhập thị trường thì lại chưa tồn tại nên không được hỏi ý kiến. Chính mâu thuẫn này khiến cho các điều kiện kinh doanh thường ít bị phản đối.

Các doanh nghiệp nhỏ có tham gia thì cũng không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn

Trong nhiều trường hợp, lập luận này đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nhà nước nên ngăn chặn doanh nghiệp nhỏ gia nhập thị trường. Mặc dù họ có thể không trở nên lớn mạnh, nhưng sự tồn tại của họ sẽ khiến các doanh nghiệp lớn buộc phải dè chừng và luôn luôn tìm cách để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Khi đó, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Đây là lĩnh vực đặc thù, cần có quy định đặc thù

Đây là lập luận rất phổ biến. Có lẽ không bộ ngành nào lại nói lĩnh vực của mình quản lý là bình thường như bao lĩnh vực khác. Nhưng lĩnh vực đặc thù chưa chắc đã kéo theo việc cần có quy định đặc thù. Thay vì nói chung chung như vậy, cơ quan soạn thảo cần thuyết phục hơn bằng cách nói rõ các đặc tính tự nhiên của ngành như thế nào mà từ đó dẫn đến việc phải có quy định quản lý.

Chúng tôi sẽ có văn bản để hướng dẫn nội dung này, chứ đưa luôn vào luật thì dài quá, mất cân đối

Luật không phải hoa hậu. Trong các tiêu chí xây dựng pháp luật, không có tiêu chí nào đòi hỏi luật phải cân đối, nhưng lại có tiêu chí đòi hỏi luật phải minh bạch. Việc không đưa nội dung cần thiết vào luật mà lại ủy quyền hướng dẫn ở cấp nghị định, thông tư sẽ khiến người dân và doanh nghiệp phải đọc nhiều văn bản và sẽ làm giảm tính minh bạch của pháp luật. Càng hạn chế văn bản hướng dẫn càng tốt.

Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI)
-----------------------
Nguồn: Thesaigontimes

10 tư duy lập pháp kỳ lạ 10 tư duy lập pháp kỳ lạ Reviewed by NaOh on 9:48:00 AM Rating: 5

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Home Ads