Các thông số cần biết khi chụp ảnh với smartphone

Không như máy ảnh số, chụp ảnh trên smartphone không đòi hỏi quá nhiều hiểu biết về các thông số. Tuy nhiên, bạn cũng cần nắm vững chúng để áp dụng đúng trong các trường hợp cần thiết.

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

Trong bối cảnh mạng xã hội lên ngôi và nhu cầu chia sẻ ngày càng cao của người dùng, chụp ảnh bằng smartphone đã và đang là tác vụ không thể thiếu đối với những ai đã và đang sở hữu một chiếc điện thoại chạy hệ điều hành. Tuy nhiên, chụp được ảnh là một chuyện, để chụp được ảnh đẹp lại là một chuyện khác. Đôi khi chỉ với một chiếc Xperia camera 8 megapixel nhưng nếu biết cách chụp, áp dụng đúng các tùy chỉnh phù hợp cộng thêm một chút sáng tạo, ảnh chụp của bạn vẫn có thể khiến người khác trầm trồ. Thứ ấn tượng nằm ở kiến thức cũng như kỹ thuật chụp ảnh của người dùng. Trước khi đến với kỹ thuật chụp, chúng ta cần có cái nhìn rõ nét hơn về máy ảnh cũng như những thông số cơ bản sau đây.

1. Megapixel (số điểm ảnh)

Megapixel là khái niệm cơ bản nhất của camera smartphone nói riêng và máy chụp ảnh nói chung. Thuật ngữ này mô tả số điểm ảnh mà camera có thể thu nhận được. Chẳng hạn một smartphone camera 8 megapixel, bạn sẽ có thể chụp được những bức ảnh có 8 triệu điểm ảnh. Về lý thuyết, đây là một trong những tiêu chí để nhận biết một chiếc smartphone có thể chụp ảnh đẹp hay xấu vì số lượng điểm ảnh thu nhận được càng cao thì đồng nghĩa rằng điện thoại của bạn chụp ảnh càng nét.

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

Tuy nhiên, không phải cứ độ phân giải cao thì ảnh sẽ càng đẹp bởi chất lượng ảnh chụp còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ là lượng điểm ảnh. Chính vì thế, nếu quen đánh giá smartphone qua số "chấm" thì bạn nên suy nghĩ lại và thay đổi "thói quen xấu" này bằng cách tự chụp lấy vài bức ảnh khi muốn tìm hiểu chất lượng ảnh chụp trên smartphone.

2. White Blance (cân bằng trắng)

Ánh sáng là yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định chất lượng ảnh chụp. Do vậy mà các smartphone cũng được trang bị nhiều tùy chọn để chỉnh sửa ánh sáng nhằm cho ra những tấm ảnh chân thật nhất. Thông thường, mắt người có thể nhìn nhận sự vật với màu sắc chính xác dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau nhưng với camera smartphone thì không như vậy và cân bằng trắng sẽ có tác dụng trợ giúp camera smartphone nhận biết ánh sáng thật nhất bằng cách căn chỉnh phần màu trắng để khiến tông áng sáng cũng thay đổi theo.

Các tùy chỉnh cân bằng trắng (WB preset) đa phần được sắp xếp theo thứ tự nhiệt độ màu tăng dần. Từ đó bạn sẽ dễ dàng chỉnh sửa ánh sáng trước khi chụp ảnh bằng smartphone hơn. Chẳng hạn, trong trường hợp ảnh chụp trông có vẻ "lạnh" với nhiều tông màu xanh thì bạn có thể tùy chỉnh lại cân bằng trắng về tông nhiệt độ nóng hơn để giúp ảnh trở nên "ấm áp" hơn và ngược lại. Ký hiệu và ý nghĩa của cân bằng trắng như sau:

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

Ký hiệu và ý nghĩa của các loại WB (cột bên trái, từ trên xuống dưới): Cân bằng trắng tự động, Cân bằng trắng tùy chọn, Cân bằng trắng theo nhiệt độ màu Kelvin, Cân bằng trắng với nguồn sáng bóng đèn sợi đốt, bóng đèn huỳnh quang, ánh sáng ban ngày, đèn flash, trời nhiều mây, bóng râm. Cột bên phải: Cân bằng trắng theo nhiệt độ màu Kelvin. Theo đó, nhiệt độ màu càng cao tương ứng với nguồn sáng càng lạnh, lúc này máy sẽ phải bổ sung thêm gam màu lạnh vào hình chụp để bù lại.

Hầu hết, các điện thoại hiện nay đều thiết lập cân bằng trắng mặc định là tự động. Thậm chí ở iPhone, người dùng sẽ không thể tùy chọn cân bằng trắng bằng ứng dụng camera của máy vì Apple đã cài đặt tính năng này ở chế độ tự động để giúp người dùng có thể chụp ảnh nhanh hơn. Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, camera của điện thoại làm việc khá tốt trong việc tự động xác định nguồn sáng/điều kiện sáng nên người dùng có thể yên tâm để WB ở chế độ Auto. Khi nào bạn cảm thấy quen mắt hơn và thành thạo chỉnh cân bằng trắng thì đó là luc các thiết lập ở trên tỏ ra hữu dụng.

3. Độ phơi sáng (Exposure Value)

Thông số này mô tả lượng ánh sáng đi vào cảm biến máy ảnh khi người dùng bấm núp chụp ảnh. Nhiều ánh sáng quá ảnh sẽ bị trắng xóa và ngược lại ít ánh sáng ảnh sẽ tối. Trên các ứng dụng chụp ảnh mặc định của các smartphone hiện nay, giá trị này thường được ký hiệu là một hình vuông với 2 dấu + và – và thường được để mặc định = 0 (ánh sáng chuẩn).

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

4.1 Các chế độ chụp cơ bản

Ở nhiều điện thoại Android tầm trung vẫn còn khá nhiều model hỗ trợ các chế độ chụp ảnh như chụp ảnh phong cảnh, chụp chân dung, chụp đêm hoàng hôn. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng các chế độ chụp này để cải thiện chất lượng những bức ảnh của mình. Ví dụ như chế độ chụp đêm sẽ làm ảnh sáng hơn hay chế độ chụp thể thao sẽ giúp lấy nét tốt hơn.

4.2 Các chế độ chụp nâng cao

Nắm bắt nhu cầu chụp ảnh muôn hình vạn trạng của các "thượng đế" nhiều nhà sản xuất cũng thức thời trang bị vô số các chế độ chụp ảnh cao cấp hơn trên camera của smartphone của mình những mong người dùng cảm thấy xứng đáng với khoản tiền chục triệu đồng bỏ ra. Thế nên bạn đừng cảm thấy ngạc nhiên khi không tìm được những chế độ chụp này trên chiếc điện thoại có giá từ 5 tới 7 triệu của người dùng.

A. HDR

HDR là viết tắt của High Dynamic Range (Dải tương phản động mở rộng). Những ai dùng máy ảnh DSLR và thích chơi ảnh có lẽ không còn xa lạ với khái niệm này. Dynamic Range là khái niệm dùng để chỉ sự khác biệt cao nhất giữa vùng sáng và vùng tối mà các thiết bị có thể ghi nhận hoặc thể hiện lại. Dynamic Range của máy ảnh số, màn hình, của máy in… là khác nhau còn trên smartphone, về cơ bản HDR vẫn là chụp các hình ảnh ở những độ sáng khác nhau và gộp lại nhưng với mục đích chỉ là cân bằng ánh sáng để hình không bị quá tối khi chụp ngược sáng và tăng cường chi tiết trên đối tượng. Quá trình này được thực hiện hoàn toàn tự động, điện thoại sẽ chụp hình, ghép và xử lý chúng để cho ra một hình HDR giúp tăng cường chất lượng chụp ảnh. Để hiểu rõ hơn về HDR hãy cùng so sánh hai bức ảnh sau đây.

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

Hình trên: Ảnh không áp dụng HDR, ánh sáng phân bố không đều.
Hình dưới: Ảnh áp dụng HDR, ánh sáng phân bố đều giúp ảnh chụp đẹp hơn. 
Dưới tán cây có thể nhìn thấy rõ ràng gốc cây.

Bạn có thể kiểm tra tùy chỉnh chụp ảnh HDR có hỗ trợ trên điện thoại của mình hay không ở mục Settings của ứng dụng camera mặc định. Lưu ý rằng ở các smartphone Android, tính năng này có thể được đổi tên với những danh xưng như Backlight HDR hoặc Backlight Correction HDR hay Rich Tone. Đặc biệt hơn, nếu điện thoại của bạn không hỗ trợ tùy chọn chụp ảnh HDR, bạn có thể tìm đến các ứng dụng camera từ bên thứ 3 để trải nghiệm tính năng này. Mặc dù vậy, chúng có thể sẽ không được tốt bằng các ứng dụng mặc định do đã được nhà sản xuất tối ưu.

B. Panorama

Panoroma không thực sự là một chế độ chụp cải thiện chất lượng ảnh chụp mà chỉ đơn thuần tạo sự khác lạ cho bức ảnh bằng cách chụp toàn cảnh. Chế độ chụp này đặc biệt hữu dụng khi bạn đi du lịch và muốn lưu giữ khung cảnh thiên nhiên đáng nhớ. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về tùy chọn chụp hình trên smartphone này trong những phần sau.

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

C. Các chế độ chụp độc quyền

Các nhà sản xuất luôn cố gắng nhồi nhét thật nhiều chức năng camera trên điện thoại của mình với mục đích cho người dùng thấy được rằng sản phẩm của mình có thể thỏa mãn được nhu cầu chụp ảnh. Chính vì thế, trên một số smartphone, chúng ta có thể bắt gặp được nhiều tùy chỉnh chụp ảnh độc quyền do mỗi hãng điện thoại phát triển nhằm tạo sự khác biệt cho các sản phẩm của họ. Có thể kể đến là tính năng chụp ảnh trước và sau trên siêu phẩm Galaxy, tính năng chụp ảnh liên tiếp rồi chọn ra ảnh đẹp nhất, tự động nhận diện mặt người đang cười, chụp ảnh trước lấy nét sau của Lumia ....Tuy vây, các tính năng độc quyền này vẫn có sự giao thoa lẫn nhau khi tính năng chụp ảnh của điện thoại này lại giống với một chức năng nào đó trên một smartphone khác. Bên cạnh đó, sự phong phú đến từ các kho ứng dụng đang ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa các tính năng chụp ảnh này.

5. ISO

Giống như máy ảnh DSLR, thông số ISO cũng đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng ảnh chụp trên smartphone nếu ta biết vận dụng tốt.Trong nhiếp ảnh kỹ thuật số (máy ảnh số và camera smartphone), ISO là độ nhạy sáng của cảm biến ảnh (Censor). ISO càng nhỏ thì máy ảnh càng ít nhạy cảm với ánh sáng và mịn hơn. Thiết lập ISO cao hơn thường được sử dụng khi chụp trong các tình huống tối hơn để có tốc độ chụp cao hơn (như khi muốn chụp một hành động thể thao trong nhà, có ánh sáng yếu). Tuy nhiên cái giá phải trả trong trường hợp này là ảnh sẽ bị nhiểu hạt (Noise). Bên cạnh đó, người dùng cũng phải giữ chắc tay cầm smartphone ở chế độ ISO thấp nếu không chỉ cần hơi run tay thôi là ảnh sẽ rất dễ bị nhòe.

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

Hầu hết người dùng đều có xu hướng để ISO tự động (từ 100 đến 800 ISO) khi chụp nhưng hầu hết các camera smartphone hiện nay đều cho phép bạn lựa chọn ISO theo ý riêng của mình để phù hợp trong nhiều khung cảnh khác nhau. Luôn nhớ rằng ISO càng thấp ảnh càng tối nhưng lại rất nét tới mức có thể phóng lớn mà vẫn nhìn rõ các chi tiết, ISO cao thì ngược lại. Vì thế theo lẽ thông thường, để ISO cao khi chụp ảnh tối còn muốn ảnh rõ nét thì dùng ISO thấp nhưng phải lựa chọn cảnh nhiều ánh sáng.

6. Lấy nét

Có khá nhiều smartphone trên thị trường hiện nay hỗ trợ tính năng tự động lấy nét, tạo nhiều thuận tiện cho người dùng. Khi ngắm khung cảnh, một khung chữ nhật nhỏ sẽ hiện lên và tự động Zoom vào điểm chính giữa của bức ảnh nhiệm vụ của bạn chỉ là bấm nút chụp. Tuy nhiên, ở một số điện thoại cao cấp, chúng ta có thể tùy chỉnh vị trí lấy nét khi chụp ảnh sao cho phù hợp với mục đích chụp. Để làm điều này chúng ta có thể dùng tay chạm vào điểm cần lấy nét trên giao diện chụp ảnh. Lúc này, camera trên smartphone sẽ lấy nét theo điểm mà bạn muốn thay vì chính giữa khung hình.

7. Chống rung quang học OIS

Nếu như camera trên điện thoại của bạn hỗ trợ OIS thì xin chúc mừng, bạn đang sở hữu một trong những tính năng chụp ảnh hiện đại nhất trên smartphone. Với OIS hay còn gọi là chống rung quang học, những bức ảnh chúng ta chụp từ điện thoại sẽ ít bị mờ và nhiễu hơn. Đây là tính năng rất hữu hiệu nhằm giảm thiểu những hậu quả từ việc chụp ảnh bị run tay nhờ vào cơ chế dịch chuyển tự do của thấu kính (hoặc cả hệ ống kính) có tác dụng chuyển động ngược pha với các tác động rung không mong muốn khi chụp. Kết hợp với tùy chọn chụp ảnh ISO thấp đã nói ở trên, bạn sẽ dễ dàng tạo ra được nhiều bức ảnh sắc nét hơn.

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

8. Kích thước điểm ảnh

Thuật ngữ này đang được nhắc đến nhiều hơn khi mà có một vài nhà sản xuất mà đi đầu là HTC với HTC One, HTC One M8 và Apple với iPhone 5s không chạy đua theo cuộc đua tăng độ phân giải trên camera smartphone mà lại đi theo hướng tăng kích thước cảm biến điểm ảnh để gia tăng chất lượng ảnh chụp. Đó là lý do mà smartphone chỉ sở hữu camera 8 megapixel nhưng vẫn có thể chụp ảnh đẹp hơn nhiều so với một smartphone có camera 13 megapixel.

chup-anh-chuyen-nghiep-voi-smartphone

Nói chung, kích thước điểm ảnh càng lớn thì camera smartphone sẽ càng thu nhận được nhiều ánh sáng hơn từ đó ảnh chụp ra sẽ đẹp hơn. Nhờ vậy, độ nhiễu của ảnh sẽ giảm bớt và chất lượng ảnh chụp vào ban đêm sẽ được cải thiện phần nào.

Để đảm bảo chất lượng ảnh chụp ở mức hoàn thiện nhất, nhiều thương hiệu smartphone thường lựa chọn giữa chỉ tăng kích thước cảm biến, hy sinh độ phân giải (tăng độ sáng cho ảnh) hay tăng độ phân giải lên rất cao (cải thiện độ chi tiết, dễ crop ảnh về sau). Cá biệt, có dòng sản phẩm còn sở hữu cả cảm biến kích thước lớn cùng độ phân giải cao nhưng lại không giữ được độ mỏng cho máy (trường hợp của Lumia 1020). Để trung hòa giữa hai yếu tố này, smartphone chụp ảnh đẹp là thiết bị được cân bằng giữa độ phân giải (số "chấm") và kích thước cảm biến.

Tạm kết

Hy vọng với những thông số trên, người dùng sở hữu smartphone đã phần nào nắm được những yếu tố để có một bức ảnh đẹp. Ngoài ra, đây cũng là các thước đo cho khả năng hoạt động của máy ảnh trên điện thoại, giúp các bạn có một cái nhìn rõ nét hơn khi đánh giá.

--------------------

Nguồn tin: Genk
Các thông số cần biết khi chụp ảnh với smartphone Các thông số cần biết khi chụp ảnh với smartphone Reviewed by NaOh on 4:52:00 PM Rating: 5

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Home Ads