Nỗi buồn đặt tên đường ở TP.HCM

ten-duong-tp.hcm
NPK+ Sài gòn sau ngày 30/4/1975 đã bị đổi tên thành Tp.HCM. Cùng với đó là sự đổi thay tên của những con đường, phố phường như một cách thức xóa dấu quá khứ hoa lệ của nó. Nhưng 40 năm qua, vẫn không nguôi một nỗi buồn âm ỉ hoài niệm về những tên đường phố cũ ngày nào của "Hòn Ngọc Viễn Đông". Và niềm thương nhớ ấy như đang lớn lên từng ngày, thôi thúc những cơn sóng ngầm đòi trả lại Sài Gòn, trả lại tên của nhưng "đường xưa lối cũ"

'TP.HCM nên xóa sạch tên đường để đặt lại'


 "Chuyện xóa sạch tên đường rồi đặt lại một lần không tốn người, không mất thời gian nếu ta đừng bày vẽ họp lên họp xuống. Chỉ cần giao cho một người, công khai danh tính và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu phạm phải sai lầm".

Gần đây, TS Lưu Đức Hải, nguyên Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng việc đặt tên đường phố ở Hà Nội nặng về danh nhân, từ đó mới dẫn đến cạn quỹ tên. TP.HCM nhiều năm nay cũng trong tình trạng đặt tên đường thiếu hệ thống, trong khi các tuyến đường mới không ngừng được mở ra.

delete-name-of-street-hcm
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần
Là ủy viên thường trực Hội đồng tên đường (TP.HCM), nhiều năm qua, TS Nguyễn Khắc Thuần kiên trì nêu quan điểm cá nhân của mình: Nên xóa sạch tên đường ở TP.HCM để đặt lại từ đầu. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông về ý tưởng này.

Cái cần sửa không sửa, cái không đáng làm lại làm

. Phóng viên: Ông có suy nghĩ gì về cách đặt tên đường ở TP.HCM?
+ TS Nguyễn Khắc Thuần: Tôi không đồng ý cách đặt tên đường của TP như lâu nay. Tuy nhiên, là Ủy viên Thường trực của Hội đồng tên đường, tôi nghiêm túc chấp hành ý kiến chung.
Theo tôi, chúng ta cần mạnh dạn xóa sạch tên đường và tiến hành đặt lại một cách có hệ thống. Ý kiến này tôi đã nêu ra từ cách đây mấy chục năm, khi mới được làm Ủy viên Thường trực Hội đồng tên đường phố chứ không phải mới đây và đến nay tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình.
Phải nói rằng trước năm 1975, tuy có một số tên đường chỉ phù hợp với đặc trưng chính trị riêng của chế độ cũ nay cần phải thay thế nhưng còn lại, nhìn chung việc chọn và đặt tên đường khá tốt. Những cụm tên đường phản ánh mối quan hệ lịch sử giữa các nhân vật và sự kiện đã hình thành khá rõ. Sự lộn xộn về tên đường phố chỉ mới xuất hiện sau năm 1975 bởi hồi đó, thành phố đã trao việc không đúng người. Tôi có nêu ý kiến phản bác khá mạnh mẽ nhưng…

Phóng viên: Sự lộn xộn như ông thấy, cụ thể là như thế nào?
+ TS Nguyễn Khắc Thuần: Kể cũng hơi nhiều nhưng có thể gom lại thành hai nhóm chính.
Thứ nhất, TP.HCM được xác lập trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính cũ là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Thực tế này khiến không ít tên đường bị trùng. Gia Định cũ có đường Bùi Hữu Nghĩa; Chợ Lớn cũ có đường Bùi Hữu Nghĩa. Gia Định cũ có đường Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng. Sài Gòn cũ cũng có hai tên đường này. Tuy nhiên, lịch sử để lại là chuyện của lịch sử còn giải quyết những vấn đề của lịch sử để lại trách nhiệm của chúng ta. Đổ hết cho lịch sử không ổn và những người có lòng tự trọng không ai đổ lỗi như thế.
Thứ hai, có quá nhiều thành viên của Hội đồng đặt tên đường do thành phố lập ra vào hồi mới giải phóng đều thuộc hàng hữu danh vô thực. Số lỗi tính đến hàng trăm nhưng xin kể ra đây bốn loại lỗi lớn của Hội đồng cũ:
- Những tên đường cần sửa họ không sửa, ví như đường Nguyễn Văn Tráng (bởi chẳng có nhân vật nào mang họ tên này xứng đáng được đặt tên đường) hay đường Trương Quốc Dung đáng lẽ phải sửa là Trương Quốc Dụng mới đúng thì họ cũng không sửa…
- Những tên đường không cần đổi họ lại đổi như Phan Đình Phùng đổi thành Nguyễn Đình Chiểu, Đoàn Thị Điểm đổi thành Trương Định, Yên Đổ đổi thành Lý Chính Thắng…. Tất nhiên, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định hay Lý Chính Thắng và hàng ngàn nhân vật lừng danh thời cận và hiện đại cần được dùng tên để đặt cho đường phố nhưng không phải đặt đổi lung tung như vậy.
- Những tên đường Hội đồng cũ sửa xong, thiên hạ mấy chục năm qua chỉ biết kêu trời, đại để như Trần Hưng Đạo đổi thành Trần Hưng Đạo A và Đồng Khánh đổi thành Trần Hưng Đạo B hoặc cùng một con đường nhưng một bên là Hùng Vương, một bên là An Dương Vương.
- Chẳng hiểu sao người ta tách tên đường và số nhà thành hai khối công việc khác nhau. Số nhà ở các đường phố quá phức tạp chưa đổi mà lại lo đổi số phòng trong cao ốc mới xây vốn dĩ đã rất hợp lý và dễ tìm. Chuyện rất hài hước này xin cứ đến khu chung cư cao cấp số 328 Võ Văn Kiệt sẽ rõ.

Không lớn chuyện như nhiều người tưởng

Phóng viên: Ông nghĩ sao nếu có những người cho rằng xóa sạch tên đường rồi đặt lại sẽ thành lớn chuyện?
+ TS Nguyễn Khắc Thuần: Lớn nhỏ tùy từng bộ óc. TP chỉ có mấy ngàn tên đường phố, chẳng đáng gì so với trí nhớ của một người đã về hưu lâu năm như tôi. Mấy chục năm qua, nhiều đài phát thanh và truyền hình vẫn phỏng vấn tôi về đề tài này nhưng chưa bao giờ tôi phải cần đến một dòng tư liệu nào trong tay cả. Một nhà Sử học dù rất trẻ cũng không thể tệ hại đến mức chỉ thuộc mấy ngàn nhân vật huống chi trí tuệ của cả một lực lượng khoa học xã hội đông đảo và giàu tài năng.

Việc đặt lại toàn bộ tên đường, theo tôi không tốn nhiều thời gian. Chỉ giao cho một người soạn thảo và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua để ra quyết định là quá đủ. Trong thời buổi công nghệ hiện đại như ngày nay, đừng ngại thay tên đường và thay số nhà sẽ phức tạp. Tất cả chỉ bối rối trong một thời gian rất ngắn, sau đó sẽ đâu vào đó ngay.

Tại sao người ta cứ thích bỏ cả ngày điên đảo đi tìm một số nhà mà không thích bỏ vài giờ học cách truy cập để sau đó không bao giờ nhầm nữa? Hãy tin rằng, đổi tên đường và đổi số nhà xong, giao cho các cháu cỡ 5 tuổi, mỗi cháu một chiếc điện thoại di động, các cháu sẽ tìm được tất cả các địa chỉ cần tìm ở khắp thành phố này.

Các vị quản lý hộ khẩu, nhà đất và các dịch vụ công cộng nếu thấy khó thực hiện là chuyện của họ chứ việc này chẳng phức tạp gì. Sự chuẩn bị cần thiết và duy nhất là hoàn thành quy hoạch phát triển lâu dài của các địa phương. Đừng bày vẽ họp lên họp xuống, hoàn chỉnh rồi còn bổ sung, bổ sung rồi rút kinh nghiệm lần 1, lần 2…

Phóng viên: Giả sử ông được giao đặt lại tên đường, thì ông sẽ làm thế nào ?
+ TS Nguyễn Khắc Thuần: Tôi sẽ làm đúng như tôi đã nghĩ và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

Phóng viên: Còn nếu TP vẫn kiên quyết không xóa sạch mà chỉ sửa chữa thì ông nghĩ sao?
+ TS Nguyễn Khắc Thuần: Thì tên đường TP sẽ nằm trong tình trạng bổ sung, điều chỉnh rồi lại bổ sung và điều chỉnh mãi. Như thế chẳng khác nào ta làm lộn xộn thêm một sự lộn xộn và làm cho sự lộn xộn kéo dài. Nếu vậy thà giữ nguyên, không sửa đổi gì cả.

Chỉ nên học nước ngoài cách qui hoạch

Phóng viên: Trở lại chuyện quỹ tên đường bị cạn kiệt như thông tin từ TP Hà Nội, ông có nhận định gì?
+ TS Nguyễn Khắc Thuần: Không có chuyện đó. Một dân tộc anh hùng và có nền văn hiến đồ sộ như Việt Nam, nếu chỉ tính riêng danh nhân cũng đã quá dư dả, huống chi tên đường đâu phải chỉ có tên danh nhân.

Phóng viên: Theo ông, TP có thể học gì từ việc đặt tên đường ở các nước phát triển?
+ TS Nguyễn Khắc Thuần: Nói chung đặt tên đường không có gì khó, nhưng phải giao việc quan trọng này cho những người thực sự có năng lực. Chưa khai thác tiềm năng có sẵn, không nên bỏ tiền đi ra nước ngoài học hỏi làm gì. Nếu học hỏi nước ngoài, có lẽ điều cần học trước nhất là quy hoạch phát triển khoa học và bền vững. Mọi việc còn lại không đến nỗi phải quá bận tâm.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!


TS PHẠM QUỐC QUÂN - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:

Ta cứ đặt tên đường theo kiểu tùy tiện, đối phó

Những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội đều có chung một tình trạng là việc đặt tên đường, tên phố rất lộn xộn. Quan điểm của tôi cần phải có dự báo và quy hoạch. Nếu không có dự báo trước cho những khu vực đô thị thì sẽ không tránh khỏi tình trạng lộn xộn. Khu vực trước đây định đặt cho những danh nhân về văn hóa và những danh nhân về khoa học thì tất cả chuyện đó đều bị thay đổi làm cho lộn xộn.

Nếu không có quy hoạch thì không tính được sự tương thích giữa cơ sở hạ tầng, quy mô, kích thước… của đường với những nhân vật cụ thể. Có những nhân vật rất lớn có khi để tên ở những đường rất nhỏ, những nhân vật nhỏ lại đặt tên cho đường lớn. Việc đặt tên đường, tên phố cũng hay có sự thay đổi, có những tên cũ rất hay, rất phù hợp lại bị đổi tên làm phá vỡ quy hoạch.

Có một thực tế nữa là việc đặt tên đường bằng tên những danh nhân hiện nay ở trong tình trạng lạm dụng. Có những người chưa đến tầm cũng được đặt tên, thậm chí có những tên đường của nhân vật mà ở Hà Nội mọi người không biết ông đó là ai.

Việc có quỹ, ngân hàng tên đường, tên phố cần tính toán làm sao có nghiên cứu công phu, tỉ mỉ với những nhân vật, lý lịch trích ngang, làm được những thảo luận trước khi đưa vào ngân hàng dữ liệu. Không có quy hoạch, dự báo thì việc đặt tên đường chỉ được giải quyết theo kiểu tình huống”.

V.THỊNH ghi

SƠN NGUYỄN thực hiện

Xem thêm: Ở Sài Gòn có tên đường... Điện Cao Thế

------------------------
Nguồn: phapluattp

==================================

"Những con đường nằm nghe nắng mưa"


Bài này, "Đặt tên đường ở Sài Gòn trước 1975 rất khoa học, có tính giáo dục cao" (1), có lẽ là một cách công nhận cách đặt tên đường của chính quyền miền Nam thời trước 1975 là hợp lí và có ý nghĩa lịch sử. Nếu giả định đó đúng thì bài báo cũng là một cách gián tiếp phê phán cách đặt tên đường tuỳ tiện sau 1975 là phản lịch sử? Riêng tôi thì vấn đề mà báo nêu làm tôi nhớ đến một câu ca rất giàu chất thơ của Trịnh Công Sơn: Những con đường nằm nghe nắng mưa ...

Tôi nghĩ cách đặt tên đường cũng một phần nào đó nói lên cái tầm văn hoá và trình độ lịch sử của người đặt tên. Nhìn như thế thì chính quyền VNCH trước 1975 quả thật có tầm văn hoá và trình độ lịch sử rất tuyệt. Như phản ảnh qua tác giả vô danh mà nhiều người chỉ trích dẫn là "The X file of W.A.R" (2) và tôi cũng có lần nhận xét (3). Họ đặt tên đường theo quá trình lịch sử từ cổ đại đến hiện đại. Từ ngoại thành đi vào trung tâm thành phố là đi quãng đường mấy ngàn năm lịch sử, qua Hồng Bàng, An Dương Vương, Hùng Vương, rồi Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, v.v. Nhà Nguyễn là gần trung tâm nhất vì đó là triều đại cận kề nhất. Cuối cùng là hội tụ lại đường Thống Nhứt, đẹp và rộng, dẫn thẳng vào Dinh Độc Lập, trung tâm quyền lực thời đó. Họ không lấy tên những nhân vật chính trị của chế độ để áp đặt vào những con đường mang tên lịch sử đó. Tôi nghĩ đó cũng là thái độ tôn kính các bậc tiền nhân.

Nhưng thời nay thì rất khác, vì cách đặt tên đường xem ra chẳng theo một qui luật nào cả, và các nhân vật xa lạ chiếm hết những con đường chính. Lúc mới sau 1975, tôi rất ngạc nhiên khi người ta lấy tên sự kiện như "Đồng Khởi", "Cách mạng Tháng Tám", hay tên đường với ngày (3/2). Tuy nhiên, sau này có dịp ra ngoài này và tìm hiểu trong thế giới cộng sản thì tôi không ngạc nhiên nữa, vì đó cũng là các đặt tên đường ở Liên Xô và mấy nước XHCN cũ. Không biết các bạn thì sao, chứ mỗi lần đi trên con đường Lê Duẩn thênh thang, tôi cứ bị ám ảnh vào cái thời bao cấp và ăn bo bo sau 1975. Nghe tên bác ấy là tôi nghĩ ngay đến cái thời đau khổ. Lại có những tên đường rất kì cục như Đồng Đen (không nhớ ở quận nào nhưng tôi đã đi qua), hay đường nghe tên rất chiến tranh, Tên Lửa (ở gần Bình Chánh)! Do đó, nó cũng chẳng có ý nghĩa lịch sử gì hết!

Sau 1975, chúng ta biết là có những đợt thay đổi tên đường theo sau đổi tên thành phố. Nhìn qua cách đổi tên đường, có thể đoán được rằng mấy người trong chính quyền hiện nay không ưa Triều Nguyễn, vì những ông vua và quan của triều này bị cho biến đi gần hết. Vài ví dụ :
* Gia Long là một ông vua gây ra nhiều tranh cãi, nhưng là người có công mở rộng bờ cõi phía Nam và khai sáng Triều Nguyễn; ông ấy phải "nhường" chỗ cho cậu bé Lý Tự Trọng.
* Minh Mạng là một ông vua nổi tiếng thơ ca, nhưng đành phải nhường cho Ngô Gia Tự (chẳng biết ông này là ai).
* Thiệu Trị cũng là vua Triều Nguyễn, nay bị Trần Hữu Trang làm cho biến mất.
* Tự Đức bị cho lên đường, và thay vào là cái tên lạ hoắc Nguyễn Văn Thủ.
* Đồng Khánh bị Trần Hưng Đạo chiếm, nhưng sự thay đổi này chẳng ai thắc mắc.
* Duy Tân là con đường đẹp đã đi vào thơ ca, nhưng nay thì bị Phạm Ngọc Thạch cho lên đường biến mất luôn.
* Khải Định cũng là một vị vua Triều Nguyễn, nhưng sau 1975 thì ông bị đuổi đi và nhường cho Nguyễn Thị Tần (là ai?)
* Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần là một nhân vật quan trọng trong sử và mở mang bờ cõi về phía Nam, bị cô Võ Thị Sáu chiếm và đuổi đi.
* Còn những tướng lãnh và danh nhân đời Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Thành, Petrus Ký, Trương Minh Giảng, Võ Di Nguy, Võ Tánh, v.v. bị cho lên đường gần hết.

Cách sửa tên đường cũng thể hiện bất kính với tiền nhân và ngạo mạn lịch sử. Một chuyên gia về đô thị và nhà sử học là TS Nguyễn Khắc Thuần nói thẳng rằng ông "không đồng ý cách đặt tên đường của TP như lâu nay," (4) nhưng ông cũng chẳng làm gì được, vì chỉ là một thành viên trong Hội đồng tên đường, nên phải làm theo số đông. Ông Thuần nhận xét rằng "Phải nói rằng trước năm 1975, tuy có một số tên đường chỉ phù hợp với đặc trưng chính trị riêng của chế độ cũ nay cần phải thay thế nhưng còn lại, nhìn chung việc chọn và đặt tên đường khá tốt. Những cụm tên đường phản ánh mối quan hệ lịch sử giữa các nhân vật và sự kiện đã hình thành khá rõ. Sự lộn xộn về tên đường phố chỉ mới xuất hiện sau năm 1975 bởi hồi đó, thành phố đã trao việc không đúng người" (4).

Tên đường của một thành phố cũng là những kí ức. Một khi chúng ta đã ở đâu đó và quen với những con đường thì đó cũng là kỉ niệm một thời. Xoá bỏ hay thay đổi tên đường, do đó, là một hình thức xoá bỏ kí ức. Đối với những người lớn lên trước 1975 ở trong Nam thì quả thật việc thay đổi tên đường là một cái sốc. Như tôi nói, có những con đường đi vào thi ca, như "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát", mà viết lại "con đường Phạm Ngọc Thạch cây dài bóng mát" thì nó chẳng có chất thơ chút nào cả! Hay như một nhạc sĩ miền Bắc là Phú Quang cũng luyến tiếc cái tên Catinat (nay là "Đồng Khởi") khi anh ấy viết bài "Catinat cafe buổi sáng", chứ nếu viết "Đồng Khởi cafe buổi sáng" thì còn gì chất thơ! Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến có một nhận xét rất hay là Trịnh Công Sơn là người đã phát hiện cái chất thơ của những con đường Sài Gòn, bởi thế ông từng viết "Những con đường nằm nghe nắng mưa".

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có sáng tác một ca khúc thật hay về Sài Gòn, mà trong đó có những câu:
Ðêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui
Ðường chia li vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi canh thâu
Bây giờ nếu ông có về thăm lại Sài Gòn thì càng lẻ loi canh thâu, do những tên đường thân quen đã thay tên đổi họ. Có thể nói rằng cách đặt tên đường hiện nay nó chẳng những thiếu chất thơ, mà nghiêm trọng hơn là còn xoá sử. Ở một khía cạnh nào đó, những cái tên đường mới còn mang tính dung tục và ngạo mạn với lịch sử. Thành ra, khi Ts Nguyễn Khắc Thuần nói "TP.HCM nên xóa sạch tên đường để đặt lại" (4) không phải là một phát biểu cực đoan chút nào.

===

(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/278524/dat-ten-duong-o-sai-gon-truoc-1975-rat-khoa-hoc-co-tinh-giao-duc-cao.html
(2) Tôi không biết ai là tác giả của bài mà VNN đăng lại. Khi tìm trên mạng, thấy nhiều nơi đăng lại và chỉ đề "Nguồn: The X file of W.A.R". Đây cũng là thói quen xấu của nhiều người Việt; họ không chịu ghi rõ tên nguồn và không chỉ ra địa chỉ đường link, mà chỉ viết chung chung. Nhất là giới báo chí, họ chỉ ghi là "theo ..." mà tôi nghĩ là rất ... mất dạy (hiểu theo nghĩa không được dạy cách trích dẫn nguồn).
(3) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2015/11/ta-mat-nguoi-nhu-nguoi-mat-ten.html
(4) http://dantri.com.vn/xa-hoi/tp-hcm-nen-xoa-sach-ten-duong-de-dat-lai-2015120810320005.htm

---------------------------------------
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

Nỗi buồn đặt tên đường ở TP.HCM Nỗi buồn đặt tên đường ở TP.HCM Reviewed by NaOh on 2:23:00 PM Rating: 5

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Home Ads