Tư duy mì ăn liền của người Việt


tư duy mì ăn liền

Tham nhũng, nợ công cao so với GDP, số người chết vì ung thư và tai nạn giao thông cao ngất ngưởng và kinh ngạc thay, xếp thứ hai thế giới về tiêu thụ mì ăn liền. Đó là Việt Nam. Tôi xin nhắc lại, là Việt Nam. Và dám cá là đối với những ai luôn tự hào về ẩm thực và chỉ số hạnh phúc của mình trên bảng xếp hạng quốc tế có lẽ sẽ khó chấp nhận khi nghe điều này.

Tại sao một đất nước có nhiều món ăn ngon, rẻ và nổi tiếng từ bắc tới nam, và chỉ số hạnh phúc luôn đứng đầu thế giới lại có thể là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ hai thế giới cho được? Chúng ta đều biết mì ăn liền là thực phẩm rẻ tiền, nhanh và tiện lợi. Vậy phải chăng nó phán ảnh người dân Việt Nam là giống dân bận rộn và rất tiết kiệm. Chắc chắn là không. Nếu người Việt Nam bận rộn và tiết kiệm thì đã không có cái văn hoá ngồi và nhậu như bây giờ. Ngồi ở đây không chỉ là ngồi vỉa hè trà chanh, trà đá, hay quán cóc, quán ổi để nhấm nháp ly cà phê, mà nó còn thể hiện cái xu hướng hưởng thụ của người Việt.

Ăn mì ăn liền vì cơ bản đang sống trong một đất nước nghèo

Từng trò chuyện với những sinh viên sống xa nhà và những công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần, tôi thấy nguyên nhân đơn giản là do nguồn thu hạn hẹp nhưng nguồn chi thì nhiều nên làm cho hầu bao lúc nào cũng cạn kiệt mặc dù mới chỉ giữa tháng. Đối với sinh viên thì số tiền mà phụ huynh chu cấp làm sao đủ với bao nhiêu nhu cầu, bao nhiêu mối quan hệ. Đối với một công nhân thì số tiền lương tháng làm sao đủ cho những chi tiêu như tiền phòng, tiền điện, tiền xăng, tiền ăn... còn tiền góp nhặt gửi về quê phụ giúp gia đình.

Phải chăng là chúng ta chăm chỉ và chịu khó để làm giàu? Chăm chỉ và chịu khó thì có đó nhưng làm nhiều ngày trong tuần, nhiều giờ trong ngày không phải vì muốn giàu có mà đơn giản là thực trạng nền kinh tế chung của nước mình nó tệ quá, nếu không làm nhiều, không tăng ca, không cày ngày 12-14 tiếng thì không có đủ tiền để trang trải các sinh hoạt bình thường trong cuộc sống.

Với một quỹ thời gian làm việc liên tục và hiếm ngày nghỉ như vậy thì lấy đâu thời gian cho những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng, nên mì ăn liền là lựa chọn tốt nhất cho quỹ thời gian đó.

Có sẵn, có liền, nhưng không bổ béo gì cả

Thực ra có một món mì ăn liền mà không được thống kê nhưng lại được rất nhiều người dân Việt Nam ưa dùng: mì ăn liền trí tuệ. Tôi dùng chữ trí tuệ vì bao gồm những tri thức và thông tin chúng ta tiếp nhận hàng ngày. Mì ăn liền có phải là thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng không? Đương nhiên là không. Phần lớn ăn mì chỉ vì nó giúp giải toả cơn đói và làm cho no bụng, còn về mặt dinh dưỡng thì nó chiếm rất ít. Ăn cho no bụng, ăn để không phải đói có vẻ rất giống cái cách người Việt đang nhồi nhét tri thức vào đầu. Học thật nhiều nhưng cũng chỉ là nhồi cho đầy bộ não những kiến thức không cần thiết, nhiều khi còn nguy hại đến khả năng nhận thức, chẳng hạn như môn "tư tưởng HCM và triết học Mac-Lenin".

Bên cạnh tiếp nhận tri thức một cách thụ động và để khoe khoang thì cải cách truyền đạt tri thức của chúng ta giống như một món ăn liền. Tôi hình dung nền giáo dục Việt Nam bây giờ như bức tranh mì ăn liền. Giáo viên là cái tô đựng mì, kiến thức như sợi mì và học sinh, sinh viên là người ăn mì. Giáo viên đến truyền đạt tri thức như một tô mì nóng hối, còn học sinh, sinh viên không có cơ hội để lựa chọn, sàng lọc, phản biện tri thức được tiếp nhận, chỉ cần nhồi vào đầu mớ tri thức ăn liền đó. Và chính cách học cũng như cách dạy kiểu này đã sản sinh ra những con người lười suy tư. Và đây chính là nguồn gốc gây ra bệnh lười suy tư ở phần đông người Việt trong nước hôm nay.

Với nền giáo dục ăn liền chúng ta đã có được những thế hệ nhiều bằng cấp nhưng thiếu tính sáng tạo, và tệ hơn nữa là những con người ấy chỉ biết tìm kiếm những thông tin ăn liền, dễ nuốt, và cần ít suy tư. Hãy xem những vấn đề mà phần lớn thanh niên Việt Nam quan tâm và không quan tâm thì chúng ta biết được điều tôi nói sai đúng thế nào.

Trường học là nơi chúng ta đón nhận những tri thức nền tảng và khơi mở những khả năng tư duy sáng tạo, còn xã hội là nơi chúng ta tiếp nhận những tri thức mới mẻ nhưng phức tạp cần những kỹ năng tư duy phản biện độc lập, khả năng tự chọn lọc. Nhưng cái thứ nhất là trường học đã không dạy chúng ta những thứ cần thiết và giúp khai mở những kỹ năng tự tư duy để chúng ta có thể tự lập trong cuộc đời, mà ngược lại nó cướp đi của chúng ta những hành trang cần thiết để chúng ta tự trưởng thành, nên hầu như khi bước chân ra khỏi xã hội chúng ta trở nên thụ động và lười biếng. Chúng ta trốn tránh những vấn đề đáng lẽ là cần thế hệ trẻ quan tâm, nhưng lại chạy theo những vấn đề vô bổ, lố bịch chỉ làm phí phạm tuổi trẻ và tài năng của chúng ta. Âu cũng là hậu quả từ một nền giáo dục ăn liền nên chúng ta chỉ biết ỷ lại và trở nên ngu ngơ trước những vấn đề xã hội.

Tôi không hề chê trách bạn ăn mì ăn liền hay lên án việc tiêu thụ mì ăn liền, tôi viết về mì ăn liền là vì nó sao giống cái cách chúng ta đang thu nhận tri thức. Chúng ta trở nên lười biếng trong suy tư, lười biếng quan tâm các vấn đề của xã hội, thay vào đó chỉ biết tiếp thu và chạy theo các thông tin, sự kiện nhảm nhí và vô bổ. Tôi có thể khẳng định người Việt không chỉ giỏi tiêu thụ mì ăn liền mà họ còn rất khoái trá tiếp nhận tri thức và thông tin ăn liền. Bởi thế, chỉ cần đầu độc các gói mì và cho thêm thật nhiều tin tức, sự kiện khiến bộ não không cần tư duy, không cần phản biện thì cũng đủ để xoá sổ dân tộc Việt Nam khỏi bản đồ thế giới.

Cao Huy Huân
===============
Nguồn: BlogVOA

Tư duy mì ăn liền của người Việt Tư duy mì ăn liền của người Việt Reviewed by NaOh on 11:05:00 AM Rating: 5

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Home Ads