Tết với những món đồ ăn truyền thống như mứt tết, hạt dưa đỏ, canh măng khô nấu chân giò gần đây đang trở thành nỗi lo của nhiều người vì vấn đề an toàn thực phẩm do những chất bảo quản, hóa chất được sử dụng trong các thực phẩm này.
Một cửa hàng bán thực phẩm hàng ngày và thực phẩm Tết trên đường phố Sài Gòn. AFP photo |
Phẩm màu và chất bảo quản
Vào dịp tết, hầu như gia đình nào ở Việt Nam cũng phải có hộp mứt tết nhiều màu và hạt dưa đỏ để đãi khách. Ngoài ra, mâm cơm cúng tất niên, năm mới thường cũng phải có thịt gà, bát canh măng khô nấu chân giò. Những món ăn đẹp mắt, ngon miệng này giờ đây có thể bị coi là nguy hiểm khi những người chế biến, bán hàng vì lợi nhuận, bất chấp tác hại, đã thêm vào những chất bảo quản, tạo màu sắc quá mức hoặc không được phép. Những chất này đã được chứng minh có thể gây ngộ độc lâu dài đối với người tiêu dùng.
Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, Tạ Thị Tuyết Mai, thuộc bệnh viện nhân dân Gia Định, Sài Gòn nói về những đồ ăn này như sau:
Mứt thì sợ người ta bỏ phẩm màu vào. Thứ hai là măng khô mà mình hay nấu với giò heo. Nếu măng mình mua phải loại người ta bỏ phốt pho thì độc. Cái thứ ba là hạt dưa thì phẩm màu trong hạt dưa cũng rất có hại, độc…. thường thường những cái đó không gây ngộ độc ngay mà ngộ độc mãn. Sợ nhất là ngộ độc mãn, lâu dần sẽ làm tổn thương gan, thận, dẫn đến ung thư.
Trong dịp gần tết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất và bán các thực phẩm phục vụ tết. Kết quả những đợt kiểm tra này là việc phát hiện hàng loạt những thực phẩm tết bị nhuộm màu công nghiệp, hoặc được bảo quản trong các hóa chất không được phép. Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế mới đây cho biết đã phát hiện được một số sản phẩm hạt dưa bị tẩm Rhodamine B là loại chất hóa học dùng để nhuộm quần áo và bị cấm tuyệt đối trong thực phẩm và thuốc. Theo các bác sĩ, việc ăn hạt dưa nhuộm Rhodamine B lâu dài sẽ suy gan, thận và mắc bệnh ung thư.
Sợ nhất là ngộ độc mãn, lâu dần sẽ làm tổn thương gan, thận, dẫn đến ung thư.
- BS. Tạ Thị Tuyết Mai
- BS. Tạ Thị Tuyết Mai
Mới đây, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng quận Bình Tân cũng đã phát hiện một cơ sở làm mứt tết đang ngâm tẩm các loại khoai lang, gừng, bí làm mứt trong các thùng hóa chất công nghiệp là sodium hydrosulfite và vôi công nghiệp. Chất sodium hydrosulfite là hóa chất dùng tẩy trắng trong công nghiệp. Chủ cơ sở này cho biết bà dùng hóa chất này để tẩy rửa các nguyên liệu trước khi chế biến mứt. Vôi công nghiệp được sử dụng để làm mứt săn chắc, giòn. Hóa chất sodium hydrosulfite thường được dùng trong công nghiệp thuộc da, làm giấy, nhuộm và chiết xuất quặng khoáng chất. Người nhiễm chất này có thể bị các triệu chứng khó thở, chóng mặt, hạ huyết áp, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài. Những người có vấn đề về suyễn nặng có thể bị sốc, bất tỉnh, thậm chí tử vong.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết kết quả kiểm nghiệm mẫu bắp non và đậu Hà lan của một cơ sở sản xuất tại Sài Gòn cho thấy cơ sở này đã sử dụng phẩm màu chưa công bố và chất bảo quản vượt ngưỡng. Cụ thể kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm bắt non và đậu Hà Lan của cơ sở này sử dụng màu Tartrazine chưa công bố và sử dụng chất bảo quản Natri Benzoate vượt ngưỡng. Các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành các nghiên cứu cho thấy chất bảo quản này khi kết hợp với các màu thực phẩm nhân tạo có thể làm tăng tính hoạt động thái quá ở trẻ.
Theo bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, rất nhiều loại măng khô được bán trên thị trường hiện nay được ngâm phốt pho vì mục đích bảo quản và tạo sự hấp dẫn.
Phốt pho bỏ vào măng khô để cho nó vàng đẹp…. hiện đúng nguyên tắc là không bỏ, vì phốt pho đau có nằm trong danh sách phụ gia cho phép. Nó là thuốc độc chỉ dùng trong công nghiệp thôi nên không có quy định hàm lượng được dùng là bao nhiêu…. Ở đây người ta làm bậy, người ta cho vào để làm cho măng hấp dẫn để bán hàng và chống mốc nhưng nhiều khi người ta không biết là nó rất độc hại cho người dùng.
Nói về phẩm màu dùng trong các loại mứt, bánh tết, bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai cho biết:
Có những màu thực phẩm mà dùng thì mắc tiền. Về nguyên tắc vẫn có một số màu thực phẩm được phép dùng ví dụ như màu đỏ là có màu thực phẩm. Thường thì những màu đó đắt tiền. Nhiều khi người ta lấy màu công nghiệp bỏ vào và gây độc. ngay như là mứt cũng vậy. Mình có thể dùng màu thực phẩm cũng được, nhưng tốt nhất là dùng màu thiên nhiên ví dụ như muốn màu xanh thì dùng lá dứa nhưng dĩ nhiên nó không đẹp bằng màu thực phẩm. Nhưng mà màu thực phẩm cũng dùng ít thôi, dùng nhiều cũng độc. Màu thực phẩm cũng xếp vào dạng phụ gia tức là chỉ dùng theo lượng cho phép chứ không được dùng quá nhiều.
Bên cạnh đó là những loại mì, lá hoành thánh được sản xuất có sử dụng hàn the, là chất đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì có thể gây độc, dẫn đến ung thư. Theo bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, phần lớn các loại sản phẩm là lá hoành thánh, và một số loại bánh thường có sử dụng hàn the để tạo độ giòn. Hàn the đã được chứng minh là có thể đọng lại ở gan, não và gây ngộ độc mãn.
Làm thế nào để nhận biết thực phẩm an toàn
Hiện tại, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa những thực phẩm an toàn vì không phải loại hóa chất nào cũng có thể được kiểm tra dễ dàng khi mua. Người tiêu dùng thường được khuyên nên sử dụng kinh nghiệm mua hàng là cảm quan đối với phần lớn các sản phẩm tết, tức là nhận biết từ màu sắc là chính.
Ví dụ đối với hạt dưa đỏ, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra khuyến cáo đối với người tiêu dùng khi chọn mua hạt dưa. Theo Cục an toàn thực phẩm, hạ dưa nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp thường có màu sáng bong, không bị phai, kể cả khi tiếp xúc với nước. Hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm có màu đỏ nâu tự nhiên, không quá đậm, không sáng bong, dễ bị phai, nhòe khi gặp nước và rất dễ tính vào tay khi sử dụng.
Đối với các loại mì hoành thánh, bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai cho biết người tiêu dùng có thể sử dụng que thử để kiểm tra có hàn the trong sản phẩm hay không.
Nhưng mà màu thực phẩm cũng dùng ít thôi, dùng nhiều cũng độc. Màu thực phẩm cũng xếp vào dạng phụ gia tức là chỉ dùng theo lượng cho phép chứ không được dùng quá nhiều.
- BS. Tạ Thị Tuyết Mai
Hàn the thì mình có thể thử được. Cái đó thì tương đối dễ… người tiêu dùng có thể thử nhanh bằng cách ra chợ y khoa mua que thử cũng rẻ, chỉ khoảng 20 đến 30 ngàn được 100 que. Lấy mẫu sợi mì, hoành thánh cắt nhỏ bỏ vào nồi nước đun sôi khoảng 5 đến 10 phút rồi lấy giấy thử bỏ vào thì sẽ thấy nó chuyển màu. Lấy một bên là ly nước trắng và một bên là ly nước nấu đó, bỏ giấy vào thấy màu cam thì đừng ăn vì có hàn the.- BS. Tạ Thị Tuyết Mai
Riêng đối với sản phẩm măng khô, theo bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, hiện vẫn chưa có kỹ thuật đơn giản nào mà người tiêu dùng có thể áp dụng để thử phát hiện phốt pho trong măng. Bà không khuyên mọi người không nên ăn măng khô trong dịp tết nhưng cho biết gia đình bà đã không nấu măng khô trong dịp tết mà thay vào đó là miến gà vì bà không thể nhận biết được đâu là măng có tẩm phốt pho và đâu là măng được phơi khô tự nhiên.
Ngoài ra chuyên gia dinh dưỡng cũng cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn thận với những loại bánh mứt sử dụng nhiều đường hóa học. Theo bà, mặc dù đường hóa học được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng trong một số trường hợp, nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận đã sử dụng quá nhiều đường hóa học, vượt mức cho phép, có thể gây hại cho người tiêu dùng. Theo quy định một người có cân nặng khoảng 50 kg chỉ được ăn không quá 5 gram đường hóa học một ngày. Người tiêu dùng có thể đọc bên ngoài nhãn mác hàng hóa của các cơ sở sản xuất để biết liệu thành phần đường này có được cho vào sản phẩm hay không.
Ăn Tết là tục lệ cổ truyền của người Việt Nam. Vì vậy, các món ăn tết là phần không thể thiếu. Với những thông tin liên tục về tình hình an toàn thực phẩm trong dịp tết, bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai hy vọng người dân theo dõi kịp những thông tin này để tránh rủi ro trong khi vẫn có thể hưởng một cái tết vui vẻ theo đúng nghĩa.
------------------------
Nguồn: RFA
Cẩn trọng với hóa chất sử dụng trong thực phẩm Tết
Reviewed by NaOh
on
9:13:00 PM
Rating:
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.