Đại hội XII của Đảng CSVN đang diễn ra tại HN, thu hút sự quan tâm của xã hội theo nhiều chiều khác nhau. Được bàn tán và bình luận nhiều trên thế giới ảo về đại hội này có lẽ là công tác nhân sự. Nổi lên trong đó là các bình luận liên quan đến sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau kỳ đại hội này.
Dư luận về Thủ tướng tạo thành những “luồng” bình luận ủng hộ, phản đối tương đối rõ nét, và xem ra chưa có hồi kết.
Những người ủng hộ phần đông cho rằng Thủ tướng là người có tư tưởng đổi mới, cải cách mạnh mẽ đường lối chính sách điều hành theo hướng “thân phương Tây”; và là người có thể đưa đất nước “thoát khỏi lệ thuộc Trung Hoa”.
Bên phản đối nhằm vào các tồn tại hạn chế trong suốt thời gian ông làm Thủ tướng vừa qua đó là, tình trạng tham nhũng đang gia tăng, sức cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm, ông chỉ trích trực diện Trung Quốc nhưng không có hành động thỏa đáng trên cương vị của mình v.v....
Dĩ nhiên khi theo dõi dư luận về Ông, tôi cũng có suy nghĩ của mình.
Theo tôi, nếu đánh giá về Thủ tướng cần nhìn nhận khách quan và phân biệt rõ hai khía cạnh ảnh hưởng đến sự nghiệp của Ông. Một là về khía cạnh cá nhân, hai là về khía cạnh tổ chức.
1/ Về khía cạnh cá nhân:
Về tiểu sử cá nhân ông thì đã có đầy đủ ở đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_T%E1%BA%A5n_D%C5%A9ng
Theo tôi, Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng là người có ngoại hình oai phong, lẫm liệt. Có giọng nói vang, đầy uy lực. Có năng khiếu bẩm sinh của người làm chính trị, có đủ bản lĩnh, chịu áp lực tốt và khả năng xử lý linh hoạt những tình huống bất ngờ, bất lợi. Là người có quá trình tham gia hoạt động từ cở sở đi lên, rèn luyện qua gian khổ môi trường chiến tranh ác liệt, môi trường hậu chiến gian nan mà trưởng thành nên càng tạo cho ông sự tự tin và quyết đoán – có lúc độc đoán - trong việc đưa ra quyết định. Những điều này là ưu điểm của ông mà bất kỹ người nào cũng nể sợ.
Nhược điểm của ông là học vấn. Theo tôi, mấu chốt của những gì thuộc trách nhiệm cá nhân Thủ tướng trong quyết định của mình là sở học của ông chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn công việc. Có lẽ vì vậy, vẻ như ông không thật sự tin tưởng, coi trọng giới trí thức và ngược lại họ - những sỹ phu, trí thức – không nhiệt tâm ủng hộ ông. Ông giải tán Hôi đồng tư vấn của Thủ tướng tiền nhiệm ngay khi vừa nhận chức gây nhiều bất bình, và cũng làm khó cho mình. Trong sự suy yếu của nền kinh tế trong thời gian qua, ngoài các yêu tố khách quan từ bên ngoại và yếu tố nội tại của nền kinh tế có một phần dó sai lầm của cá nhân ông trong quản lý. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành vội vã , thiếu kiếm soát dẫn đến mất vốn, kinh doanh không hiệu quả và tình trạng tham nhũng phức tạp là ông phải chịu trách nhiệm chính.
2/ Về tổ chức: (xét con người ông trong tư cách của một đảng viên)
Ông là một Đảng viên, tất nhiên ông không thể không phục tùng mọi yêu cầu của tổ chức Đảng. Càng nắm những chức vụ cao ông càng phục tùng triệt để những Nghị quyết của Đảng. Đó là điều bất di bất dịch.
Đảng CSVN là một tổ chức chính trị lấy CN Mác-Lê nin làm nền tảng tư tưởng thì những người lãnh đạo chắc chắn phải rất thấm nhuần và triệt để lý thuyết này. Tuy nhiên, dòng chảy thời đại đang chứng tỏ học thuyết Mác-Lê nin không còn phù hợp nên về mặt lý luận của đảng CS gặp rất nhiều khó khăn trong vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Sự loay hoay kiếm tìm “hướng đi” và “sáng tạo” lý luận đã buộc họ phải từ bỏ nhiều giá trị cốt lõi của CN Mác-Lênin như công nhận sức lao động là hàng hóa; công nhận thị trường và quy luật giá trị ... đồng thời những người CS cũng rất sợ điều mà họ gọi là “chệch hướng”. Và Ông là một trong những người lãnh đạo ĐSC trong bối cảnh ấy. Dự luận nghĩ ông có tư tưởng cải cách “thân phương Tây” cũng dễ hiểu, nhưng kỳ thực Đảng CSVN hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách thì không có chuyện “mình ông một ý”.
Điều trớ trêu và khó xử nhất cho ông trong vai trò lãnh đạo đảng lại đến từ con cái.
Ông cả đời cống hiến cho Đảng, từ khi còn trẻ đã gian khổ tham gia kháng chiến chống Mỹ, ngụy. Đảng CS luôn coi Mỹ là sen đầm của CNTB, khắc tinh của CNCS. Những khi ấy, chắc ông không ngờ có ngày con ông lại lấy “con Ngụy” và gia đinh chồng đang ở Mỹ. Là một đảng viên bình thường đã khó, ở cương vị người lãnh đạo quan trọng của đảng lại càng khó được chấp nhận thực tế này. Và ở tư cách người Cha – ông đã quyết định đúng: Bảo Vệ Con; nhưng ở địa vị của mình ông (phải) quyết định sai: Thông gia với “Địch”. Ông chưa phải là Stalin!
3/ Vấn đề tham nhũng:
Tham nhũng được xác định là quốc nạn. Có nguy cơ làm mất chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong thời gian ông Dũng làm thủ tướng, tham nhũng dường như ngày càng trầm trọng về mức độ và tinh vi về thủ đoạn. Hình thành nên những ổ nhóm tham nhũng ở các cấp từ trung ương xuống cơ sở. Tuy nhiên, công bằng mà nói điều này không phải là do ông gây nên; mà có chăng ông chỉ là người không dành đủ quyết tâm cho công tác này. Tham nhũng là căn bệnh phát sinh từ thể chế không có cơ chế kiểm soát quyền lực chứ không phải từ ý muốn của một ai đó. Rõ ràng Đàng CS với thể chế đơn nguyên, tập trung quyền lực toàn diện tuyệt đối không thể nào tự chữa được căn bệnh này. Đảng từng bước công nhân và điều hành kinh tế theo cơ chế thị trường đầy đủ. Mô hình coi đồng tiền là chuẩn mực là thước đo thành công thì cơ chế phê bình và tự phê bình giữa các đảng viên trong chống tham nhũng khác nào cho “voi uống thuôc gió”. Nhất là trong giai đoạn hiện này, giai đoạn ví như tích lũy tư bản; các cơ chế chính sách và luật pháp chưa đồng bộ hoặc còn nhiều khiếm khuyết.
Ông Dũng cũng bị dư luận về vấn đề sự giàu lên nhanh chóng của con cái, anh em. Họ được cho là dùng ảnh hưởng của ông để trục lợi hoặc làm giàu không chính đáng. Tuy nhiên, như trên đã nói, hãy đặt mình vào vị trí của ông trong cơ chế hiện nay, một ai lên ngồi vị trí Thủ tướng liệu có làm khác ông được không. Nếu không thì hãy nhìn vào nguyên nhân hơn là tập trung chỉ trích cá nhân.
4/ Tóm lại: Theo tôi ông Thủ tướng đã đem hết khả năng của mình để phụng sự sự nghiệp. Còn chỗ này chỗ khác hay còn vẫn đề thì cần phải xem xét đầy đủ cả về phương diện cơ chế, con người. Ông là con người kiên định, quyết đoán có tài quyền biến, những năng lực quản trị kinh tế còn hạn chế và trong điều kiện hiện nay của Đảng chưa thể cho phép ông làm những gì mình muốn. Cho dù ông được đánh giá là Thủ tướng tập trung trong tay nhiều quyền lực nhất!
1/2016
Vài suy nghĩ về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Reviewed by NaOh
on
9:45:00 AM
Rating:
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.