Kinh tế nhà nước còn chủ đạo thì không thể có kinh tế thị trường


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: "Nếu chúng ta vẫn cho rằng kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo thì không có được kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa".

Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có cuộc trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới xung quanh chủ để tổng kết lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và dự báo cho năm 2016.

Chưa có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa

Bà có thể đưa ra đánh giá tổng quan về nền kinh tế Việt Nam năm qua?

- Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam có những chuyển động theo hướng bình ổn hơn, phục hồi dần tốc độ tăng trưởng. Các con số thống kê về kinh tế năm qua đều cho thấy sự tăng trưởng cao mà những năm gần đây chưa có được.

Hạ tầng có sự phát triển khá tốt với việc hoàn thành được nhiều dự án giao thông lớn, làm cho bức tranh giao thông Việt Nam có được một dấu ấn. Kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng ổn định, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, trong khi đó tăng trưởng lại được duy trì ở mức độ cao, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực...

Xét về tổng cầu của nền kinh tế, chỉ số tiêu dùng tăng 9,12%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hoạt động của các doanh nghiệp cũng có những chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao.

Xếp hạng về năng lực cạnh tranh và điều kiện kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. Việt Nam cũng tham gia vào hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với thế giới, đánh dấu một bước hội nhập mới và tạo được đà tăng trưởng trong những năm tới. Quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng đã có được những chuyển biến nhất định, dù còn chậm chạp.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn ở một số ngành. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao, số doanh nghiệp đăng ký mới chưa biết bao giờ họ sẽ bắt tay vào hoạt động và tạo được bao nhiêu sản phẩm thực, việc làm thực cho xã hội. Tôi quan tâm không chỉ là số lượng doanh nghiệp thành lập mới mà còn quan tâm đến chất lượng khởi nghiệp của doanh nghiệp.

Hơn nữa, quá trình tái cơ cấu còn dang dở, nợ công cao, đầu tư công tràn lan… cũng là những thách thức lớn.

Bà có nói thành công lớn trong năm qua là việc chúng ta hội nhập sâu hơn với thế giới qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Có ý kiến rằng, quá trình hội nhập được cho là cơ hội để chúng ta bớt lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Quá trình hội nhập cũng là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh lại các mối quan hệ với các nền kinh tế khác trên thế giới. Trung Quốc là một thị trường lớn mà tất cả các nước đều hướng tới. Việt Nam ở bên cạnh thì không thể nói thoát Trung một cách thuần túy mà Việt Nam cần phải cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đặt nó trong mối quan hệ cùng có lợi, bình đẳng hơn.

Việt Nam không thể để rơi vào sự lệ thuộc với kinh tế Trung Quốc, vì đã lệ thuộc thì không thể có được sự bình đẳng, không thể cùng có lợi cho cả 2 bên. Bên bị lệ thuộc sẽ là bên thua thiệt. Ví dụ như ở Việt Nam, 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay Trung Quốc, điều này là không hợp lý.

Việt Nam tham gia các FTA cũng là cơ hội để có thể cân bằng lại các mối quan hệ với các quốc gia khác. Từ đó, tạo cơ hội cho Việt Nam có vị thế khác trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, tránh được sự lệ thuộc sâu hơn về kinh tế. Việt Nam cũng có nhiều sức ép, động lực để cải cách thể chế kinh tế trong nước, đưa Việt Nam đi sâu hơn vào kinh tế thị trường đầy đủ.

Liệu hội nhập có tạo ra được sức ép, động lực để chúng ta có được một nền kinh tế thị trường thực sự, được các quốc gia phát triển công nhận hay không?

- Ở đây không chỉ so với 5 tiêu chí mà Mỹ nêu ra hoặc 6 tiêu chí mà như EU đưa ra mà ngay cả ở trong nước, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng mình chưa có được một nền kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa. Hội nhập này giúp cho Việt Nam có được cái chuẩn của nền kinh tế thị trường theo những cam kết chung và theo đó mà thực hiện.

Không thể có chuyện mình cứ cải cách được một chút rồi nói tiến thêm một bước đến kinh tế thị trường mà không biết bước đó dài hay ngắn, còn cần bao nhiêu bước nữa mới đến được mục tiêu kinh tế thị trường. Nếu chúng ta vẫn cho rằng kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo thì không có được kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa.

Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng cần phải hiểu khác, không thể giữ tư duy kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ điều tiết, phân bổ nguồn lực thay vì can thiệp quá sâu vào thị trường như hiện nay.

Lâu nay chúng ta cũng đặt ra mục tiêu cải cách cho mình rồi, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 cũng đưa ra 3 đột phá chiến lược cho Việt Nam, trong đó thể chế là ưu tiên số 1 nhưng cũng làm chưa đến đâu. Trong nước chưa đủ động lực, chưa đủ sức ép để mà làm cải cách thể chế. Chúng ta có cải cách trong một thời gian khá dài nhưng vẫn chưa có thể chế kinh tế thị trường đầy đủ.

Những cam kết trong hội nhập lần này đều rất mạnh mẽ và có sự giám sát đầy đủ, nhất là với TPP. Do đó, chúng ta không thể cứ làm theo cách mà Việt Nam vẫn làm lâu nay, nhấn mạnh quá nhiều vào đặc thù của mình mà cho phép mình phát triển kinh tế một cách không giống ai. Hội nhập cũng tạo được nhiều động lực mới để Việt Nam phát triển kinh tế của mình.

Độc quyền làm trì trệ nền kinh tế

Kinh tế Việt Nam có nhiều động lực phát triển nhưng vẫn không ít vướng mắc, vướng mắc lớn nhất có lẽ là độc quyền kinh tế bởi nó làm trì trệ nền kinh tế. Bà nghĩ sao về điều này?

- Rõ ràng là thế! Ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều chống độc quyền trong kinh tế chứ không phải chỉ Việt Nam. Ở Việt Nam tình hình độc quyền kinh tế phổ biến hơn bởi vì nó lớn quá, nhiều quá.

Độc quyền nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay quá lớn, nhất là so sánh về việc sử dụng nguồn lực của các DNNN. Hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 800 DNNN nhưng vẫn sử dụng tới khoảng 50% tổng nguồn lực của quốc gia. Mức sử dụng đó là quá lớn, tạo thêm cho họ thế độc quyền trong sử dụng cũng như vận hành và cung cấp sản phẩm.

Dó đó, xã hội và doanh nghiệp không có sự lựa chọn mà vẫn phải dùng những sản phẩm của họ với giá thành cao, chất lượng không tương ứng. Những gánh nặng về thua lỗ, nợ nần do quản trị kém của họ thì cả xã hội lại phải gánh nợ.

Độc quyền ở Việt Nam còn gây ra rất nhiều hệ lụy khác như tham nhũng, lãng phí và sự quản lý yếu kém. Nếu Nhà nước mà quản trị trong một môi trường cạnh tranh nhiều hơn, bình đẳng hơn thì buộc họ phải có công cụ, chính sách tốt để quản trị.

Những người làm công tác lãnh đạo các DNNN cũng phải trăn trở hơn, có phương pháp điều hành tốt hơn chứ không chỉ dựa vào ưu đãi để hoạt động thua lỗ. Độc quyền cũng liên quan nhiều đến việc đầu tư công tràn lan và kém hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nợ công tăng cao như hiện nay.

Chúng ta cũng đã nhìn nhận được vấn đề này và đã bắt tay thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu vẫn chưa được như kì vọng. Bà có bình luận gì về điều này?

- Tái cơ cấu kinh tế đã có nhiều đề án, chính sách đưa ra và trong các đề án đó cũng nêu khá đầy đủ những điều cần phải làm. Tuy nhiên, cái thiếu vắng, nút thắt lớn nhất có lẽ là quyết tâm chính trị. Để thực hiện công cuộc tái cơ cấu phải xuất phát từ tư duy đổi mới thực sự của Nhà nước.

Tái cơ cấu chủ yếu nằm trong khu vực công, gồm cả DNNN, đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, bản thân khu vực công tự tái cơ cấu mình mà vẫn giữ tư duy kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì sẽ không thể nào có hành động mạnh mẽ được.

Nhà nước đưa ra chủ trương, đề án nhưng quyết tâm chính trị lại chưa có đầy đủ. Ngay như Quốc hội, phải là cơ quan có vai trò rất lớn trong việc tái cơ cấu đầu tư công nhưng ở các diễn đàn Quốc hội cũng vẫn thấy nhân nhượng cho nhau rất nhiều ở việc phân bổ ngân sách, quyết định các dự án đầu tư lớn, giám sát chi tiêu thường xuyên… Như vậy sẽ không có được tái cơ cấu tốt.

Rất tiếc là đề án tái cơ cấu đặt ra thì hay nhưng việc thực hiện lại èo uột và không đáp ứng được kỳ vọng của nền kinh tế cũng như mong đợi của xã hội.

Bà có nghĩ chúng ta nên quy định về trách nhiệm cá nhân chứ tình hình hiện nay, rất ít người phải chịu trách nhiệm về sự điều hành của mình?

- Điều đó là cần thiết bởi cái khó quy trách nhiệm ở Việt nam là ở trách nhiệm tập thể, quyết định tập thể. Khi không có một quyết định làm rõ cá nhân nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình, từng khâu 1 thì rất khó có thể quy kết trách nhiệm về ai. Nhiều lắm thì mấy ôngbộ trưởng chỉ xin lỗi ở diễn đàn Quốc hội là cùng. Các lời hứa của bộ trưởng qua năm này, năm khác cũng không thực hiện được nhiều. Quốc hội phải có quyền “không tín nhiệm” chứ không thể chỉ “tín nhiệm thấp” như hiện nay.

Bà có dự đoán gì về kinh tế 2016?

- Rất khó để nói kinh tế năm tới ra sao. Chúng ta cũng có những lạc quan nhất định như nhiều người đang có dự đoán về kinh tế 2016 dựa vào đà của năm 2015. Tuy nhiên, 2016 vừa chứa đựng nhiều cơ hội và cũng có không ít thách thức.

Về bình diện kinh tế toàn cầu, thế giới đang có thêm những biến động khiến chúng ta cảm thấy lo lắng nhiều hơn là lạc quan. Đó là nạn khủng bố, di cư ở châu Âu khiến nhiều hoạt động kinh tế bị giới hạn. Rồi vấn đề giá dầu thấp, mặt lợi là giảm đầu vào cho nền kinh tế, tuy nhiên, ở Việt Nam, việc giảm sức ép về đầu vào chưa nhiều, chi phí đầu vào vẫn cao trong khi tác hại về giá dầu thì đã thấy rõ. Nông nghiệp cũng đang khó khăn, người nông dân thua thiệt trong cuộc chơi chung.

Sự biến động của đồng tiền cũng như đồng đô la Mỹ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến chúng ta trong thời gian tới. Cơ hội từ hội nhập cũng rất nhiều nhưng liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội đó hay không mới là vấn đề. Có thị trường xuất khẩu lớn những các thị trường kia đều có yêu cầu lớn về chất lượng, thương hiệu chứ không chỉ đơn giản là chúng ta có nhiều hàng, có giả rẻ là chúng ta cạnh tranh được.

Hoặc việc như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, liệu được bao nhiêu nhà máy vào Việt Nam đem được công nghệ mới vào và chuyển giao công nghệ hay vẫn là công nghệ lạc hậu và gây ra nhiều hệ lụy? Nhất là cơ chế đầu tư ở Việt Nam cũng chưa được thay đổi theo hướng trọng chất lượng thay vì số lượng dự án đầu tư.

Những năm tới, cần phải rốt ráo hơn nữa quá trình tái cơ cấu về doanh nghiệp Nhà nước, đặt doanh nghiệp Nhà nước vào kỉ luật thị trường. Cải cách đầu tư công, nâng cao tính minh bạch, giải trình, cải thiện môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp…

Trí Lâm thực hiện
--------------------------
Nguồn: motthegioi.vn

Kinh tế nhà nước còn chủ đạo thì không thể có kinh tế thị trường Kinh tế nhà nước còn chủ đạo thì không thể có kinh tế thị trường Reviewed by NaOh on 7:37:00 AM Rating: 5

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Home Ads