Về bài thơ Nam Quốc Sơn Hà.

Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà
Hôm qua đọc bài: "Phụ huynh sốc với bản dịch mới của bài thơ Sông núi nước Nam trong SGK lớp 7"  thấy cung hơi băn khoăn. Không biết vì sao bản dịch bài thơ được xem là Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên, rất quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh nay bị thay đổi dịch khác đi, đọc nghe lạ lẫm và ngang phè. Tuy nhiên, bài báo dẫn lời ông GS,TS Đỗ Ngọc Thống cho biết :"Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được...."

Hôm nay, tìm trên fb thấy bài nói về các dị bản chữ Hán của bài Nam Quốc Sơn Hà được chép ở các tài liệu sử khác nhau. Văn bản Hán tự (bản gốc) mà còn khác nhau, thì văn bản dịch không giống nhau cũng đúng thôi.

Dưới đây là nội dung các bản Hán tự gốc:

"Nam quốc sơn hà" vốn được viết bằng Hán văn; người dịch khác nhau đương nhiên sẽ cho bản dịch khác nhau. Nhưng ở đây tạm không bàn đến bản dịch. Bản Hán văn lưu hành hiện nay là bản được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Tuy nhiên, câu chuyện Trương Hống, Trương Hát đọc Nam quốc sơn hà, được chép lại trong ĐVSKTT với dòng chữ nhỏ, mở đầu viết "người đời truyền rằng...", kỳ thực được các sử gia thời Lê đưa vào sau khi tham khảo các sách Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, là các sách ghi chép truyền thuyết dân gian được viết vào thời Trần.

Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh chép nhiều câu chuyện có nội dung giống nhau, song lưu truyền qua vài trăm năm, đều tồn tại nhiều dị bản. Các sử gia thời Lê cũng chỉ là lựa chọn một trong số các dị bản đó mà thôi. Các bản có nội dung y như ĐVSKTT trích dẫn, tạm không nêu lại nữa. Ở đây xin cung cấp thêm mấy dị bản Nam quốc sơn hà khác như sau:

1. Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, ký hiệu R.6, Thư viện quốc gia, chép:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư.

2. Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, ký hiệu A.33, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, chép:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
(Lưỡi đao kiếm sáng loáng thừa sức đánh như chẻ tre)
(Hai câu cuối) lại (có dị bản) viết:
Như kim nghịch tặc lai công kích
Nhữ đẳng hành khan phá bại hư.

3. Mã lân dật sử, ký hiệu A.1516, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, chép:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Phân minh dĩ định tại thiên thư
Vân hà nghịch lỗ lai xâm phạt
Nhữ đẳng khô hài bất táng thu.
(Xác khô của các ngươi sẽ không được thu gom chôn cất)

4. Tân đính giảo bình Việt điện u linh tập, ký hiệu A.335, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, chép:

Nam bắc phong cương các biệt cư
Tinh phân Dực Chẩn tại thiên thư
Kình thôn lang dục chân vô yếm
Hội kiến trần thanh tảo thái hư.
(Bờ cõi nam bắc ai nấy đều ở riêng rẽ,
 chòm sao Dực, sao Chẩn đã phân chia ở sách trời.
Cá kình nhấn nuốt, chó sói tham lam, thật không biết chán.
Sẽ thấy khí trời quét sạch băng bụi bẩn.)

Tóm lại, những gì khác với điều tai nghe mắt thấy xưa nay chưa hẳn đã sai, và cũng không nên nâng cao quan điểm chính trị làm gì. Nguyên tác còn có nhiều dị bản, huống hồ là bản dịch.


-------------------------
Nguồn : https://www.facebook.com/quangduc.tran?fref=ts
Về bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Về bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Reviewed by NaOh on 11:30:00 AM Rating: 5

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Home Ads