30 năm đổi mới giáo dục

(Viết nhân ngày nhà giáo 20/11)

Công cuộc cải cách giáo dục đã có chừng hơn 30 năm. Đã có bao nhiều thế hệ học trò và giáo viên 'sang sông' trên 'con đò giáo dục Việt Nam'. Thông thường cải cách bất cứ một cái gì, là mong cho nó tốt hơn, chắc chắn hơn và hiện đại hơn để qua đó đạt được hiệu quả tốt hơn, có ý nghĩa thực tiễn hơn. Cải cách giáo dục hẳn không ngoài mục đích ấy.

Tuy nhiên, thực tế chúng ta đang có một nền giáo dục như thế nào?

Về chương trình nội dung, trong 30 năm qua không biết có bao nhiêu lần thay đi đổi lại. Mỗi lẫn như thế, người ta - những người có trách nhiệm - lại có lý do để giải thích và khẳng định tính tiến bộ của chương trình giáo dục. Cải cách nhữ viết như một chu kỳ, thay đi đổi lại cuối cùng quay về đúng mẫu tự ban đầu. Cải cách chương trình nội dung thì với cấp tiểu học ngày càng nặng và áp lực, trẻ con ngày càng mất đi tuổi thơ. Cấp trung học thì không thực tế và giáo điều, học trò ngày càng hổng kiến thức lịch sử, văn hóa. Ngôi trường nào cũng trang trọng với khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhưng thử hỏi học trò có được học đủ Lễ và Văn ấy không?. Cấp đại học, vẫn duy trì lối học trả bài, thiếu sáng tạo thiếu thực tế và bó buộc trong ý thức hệ. Sao có thể đủ tự tin và năng lực khi đối diện với môi trường xã hội luôn biến động phức tạp hiện nay...

Về phương pháp, có giai đoạn người ta hô hào phải đổi mới tư duy và phương pháp giảng dạy. Nhưng từ mong muốn đến thực tế vẫn còn khá xa. Muốn vậy trước hết phải đổi mới tư duy cho toàn bộ đội ngũ giáo viên, việc này xem ra bất khả thi rồi bởi cả lý do về kinh phí, cả về tổ chức. Thứ đến phải thay đổi tiêu chí đánh giá phân loại, thi cử. Và thực tế 30 năm qua, thi cử vẫn nặng về thành tích, nhiều tiêu cực và không phản ánh đúng chất lượng. Hiện tượng học giả bằng thật tràn làn.

Còn môi trường giáo dục ở nhà trường, đầy rẫy những vụ việc phản cảm đau lòng hầu hết các cấp học. Từ việc đổi tình lấy điểm, bảo mẫu hành hạ các cháu mầm non trong những năm qua hay việc học sinh giết nhau dường như không còn quá xa lạ. Mới đây một em bé lớp hai bị đuổi bơ vơ trước cổng trường không được ăn cơm chậm đóng tiền càng cho thấy bộ mặt thật của môi trường giáo dục hiện nay đã xuống cấp lắm rồi. Người ta, không còn coi việc giáo dục con người là thiêng liêng cao quý nữa mà đơn giản hơn giáo dục con người là một nghề kinh doanh. Xã hội hóa giáo dục bị biến tướng làm bình phong cho thực tế: Môi trường giáo dục lấy đồng tiền làm thước đo!

Và dĩ nhiên với nội dung, phương pháp giáo dục và môi trường như trên thì không thể có chất lượng giáo dục tốt được. Căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục thì có nhiều, nhưng chung quy nhìn vào nhân cách của con người - sản phẩm của nền giáo dục ấy. Cõ lẽ không có mình họa nào hơn cho chất lượng của 30 năm cải cách với kết quả nền giáo dục Việt Nam xếp sau cả Campuchia.

Lại nhớ, cách mấy năm ông Nguyễn Thiện Nhân phát động rầm rộ các phong trào hai không, ba không ... mong muốn chấn chỉnh lại nhận thức cũng như cách làm giáo dục. Nó đi trúng tâm lý xã hội về thực trạng xuống cấp của nền giáo dục nhưng thử hỏi một mình ông ấy sẽ làm được gì, khi những người còn lại trong Bộ GD không chắc đã đã nhận thức và hành động cùng hướng. Kết quả những phong trào ấy cũng ra đi như cách ông đến và đi với ngành Giáo dục.

Vừa rồi trên báo tuổi trẻ có đăng bài Học để làm gì? bàn về chủ đề cải cách giáo dục. Có lẽ những người làm giáo dục có trách nhiệm và cả những nhà chính trị thừa hiểu những điều cốt yếu của nền giáo dục. Nhưng, câu hỏi tại sao biết như vậy mà công cuộc giáo dục của đất nước vẫn thụt lùi trong 30 năm?. Câu hỏi này họ cũng có thể trả lời một cách dễ dàng, tuy nhiên họ có quyết tâm để làm hay không khi ý thức hệ vẫn bó buộc trong định hướng... xa vời(*) lại là chuyện khác.

Với 30 năm cải cách chúng ta đã tốn kém lãng phí rất nhiều tiền của, nhưng buồn hơn lại chính là hệ lụy của những cải cách ấy với đời sống xã hội. Chưa có gì đảm bảo các cải cách trong giáo dục hiện thời là đúng đắn, điều đó cho thấy con cái chúng ta vẫn tiếp tục là đối tượng của những công cuộc cải cách. Giáo dục Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi loay hoay trong việc chọn lựa đào tạo nên con người mới XHCN hay là con người có tâm hồn Việt Nam. Buồn thay!

--------------------------------
- Nguồn ảnh: internet

30 năm đổi mới giáo dục 30 năm đổi mới giáo dục Reviewed by NaOh on 5:49:00 PM Rating: 5

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Home Ads