Thay vì lấy thước đo độ hở của Ngọc Trinh, Cục nghệ thuật biểu diễn nên dành thời gian nghiên cứu chính sách đưa văn hóa quốc gia thoát khỏi tình trạng nô dịch gần như toàn diện. Trong khi nhiều nước khu vực đã xây dựng thành công ngành công nghiệp xuất khẩu văn hóa và lan rộng khu vực với chính sách quyền lực mềm thì ngành “quản lý văn hóa” VN vẫn loay hoay với việc nhìn ngực và đo váy hở. Hãy xem bài học Hàn Quốc.
Hai khái niệm bảo vệ bản sắc văn hóa và xuất khẩu văn hóa gần như tồn tại song song trong nền văn hóa toàn cầu. Làm gì để bảo vệ văn hóa là câu hỏi không chỉ dành cho giới chủ quản mà còn được xem trọng từ những nhà hoạch định chính sách. Hàn Quốc là nước đầu tiên cần quan sát. Sự chiếm lĩnh tràn lan của phim truyền hình Hàn Quốc tại châu Á không còn là điều lạ. Sự bùng nổ công nghiệp điện ảnh có được nhờ một phần từ chính sách. “Chúng tôi nhìn Hàn Quốc bằng con mắt ganh tỵ” – nhà sản xuất điện ảnh Hong Kong Bill Kong (Ngọa hổ tàng long) đã phải thốt lên. Không thể không ganh tỵ khi biết rằng công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc thật ra là đàn em so với công nghiệp điện ảnh Hong Kong từng khuynh đảo thị trường điện ảnh khu vực nhiều thập niên qua; và vào thập niên 1990, Hollywood còn thống trị 80% thị trường điện ảnh Hàn Quốc.
Thời văn hóa hội nhập, nhiều khái niệm mới đã nảy sinh, từ “intercultural conviviality” (thưởng thức văn hóa liên thông) đến “infotainment” (information và entertainment – thông tin và giải trí) và những khái niệm này ra đời từ thực tế xu hướng toàn cầu. Song song hội nhập, việc duy trì bản sắc văn hóa nội địa cũng như ngăn cản sự thâm nhập văn hóa ngoại lai ngày càng được nhấn mạnh, không chỉ trong các hội thảo khu vực mà còn nhiều lần được bàn trên phạm vi diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Và tất cả đều đi đến kết luận chung rằng sẽ chẳng phương pháp nào tốt hơn trong việc xây tường thành bảo vệ văn hóa bằng cách củng cố sức mạnh văn hóa bản địa. Sức mạnh này chỉ có thể có khi công nghiệp văn hóa nói chung được nhìn nhận ở cấp độ chính sách quốc gia và được chuyên nghiệp ở mọi khâu, từ sản xuất đến phát hành, từ đào tạo đến quản lý, từ đầu tư đến sử dụng tài năng. Và điều đầu tiên trong mọi điều đầu tiên trong việc hình thành nội lực là tạo ra một môi trường đủ thoáng và rộng để ít nhất cũng có được sự cạnh tranh giữa các đối thủ trên sân nhà cũng như sự hợp lực giữa các hãng trong nước, nhằm cuối cùng cung cấp thị trường sản phẩm tốt nhất và đủ bản lĩnh đối chọi sản phẩm văn hóa nước ngoài.
Vai trò nhà nước trong trường hợp này là rất lớn. Không có chính sách thích hợp, khó có thể cạnh tranh huống hồ gì có khả năng xuất khẩu văn hóa. Năm 1994, Tổng thống Kim Young-Sam đã kêu gọi một chiến dịch cải cách toàn diện để nâng khả năng xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc, chỉ sau khi ông đọc bản tin cho biết doanh thu bộ phim Jurassic Park của đạo diễn Steven Spielberg (phát hành trước đó một năm), với vốn đầu tư 63 triệu USD, đã đạt doanh thu bằng với doanh số thị trường nước ngoài của 1,5 triệu xe hơi Hyundai. Sản phẩm văn hóa, trong kỷ nguyên toàn cầu, không chỉ thuần túy giúp quảng bá văn hóa mà còn mang lại ảnh hưởng tích cực đến mậu dịch nói chung. Năm 2012, mỗi sản phẩm văn hóa trị giá 100 USD được xuất khẩu đã tăng trung bình 412 USD về xuất khẩu hàng tiêu dùng, theo thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế nước ngoài thuộc Ngân hàng xuất-nhập khẩu Hàn Quốc.
Những năm đầu thế kỷ 21, xuất khẩu các sản phẩm liên quan văn hóa của Hàn Quốc đạt 500 triệu USD; đến năm 2011, con số đó là hơn 4 tỉ USD. Bộ văn hóa-thể thao-du lịch Hàn Quốc ước tính giá trị kinh tế của “Hàn Lưu” (Hangul; 한류) – “cơn sóng Hàn Quốc” – là 83,2 tỉ USD trong đó công nghiệp âm nhạc chiếm 5,26 tỉ USD. Cần nhắc lại, cách đây bốn năm, chuyên san xếp hạng Billboard của Mỹ đã lập bảng 100 ca khúc K-pop hàng đầu. Chương trình biểu diễn của các nhóm Girls’ Generation, 2NE1 và Big Bang tại Mỹ lẫn Anh đều bán sạch vé. Lại nhắc thêm, cách đây 50 năm, GDP Hàn Quốc còn không bằng Ghana; bây giờ, là 1,3 ngàn tỉ USD.
Không chỉ chính sách hỗ trợ tài chính đối với công nghiệp văn hóa nói chung, điều giúp văn hóa Hàn Quốc bùng nổ và lan rộng là sự hạn chế tối đa kiểm duyệt. Những phim như “Bụi đời Chợ Lớn”, với Hàn Quốc, chẳng có gì phải cấm. Không có tự do sáng tạo và bị ràng buộc bởi cái gọi là “định hướng chính trị tuyên truyền phục vụ chế độ”, sản phẩm văn hóa tạo ra luôn như quái thai dị dạng. Thay vì tuyên truyền phục vụ chế độ, hãy tuyên truyền một cách thông minh về văn hóa quốc gia, biến nó thành sản phẩm đủ đẹp để có thể được chào bán, trước hết là trong nước. Và muốn vậy, cái gọi là “định hướng chính trị” trong văn hóa phải được vất bỏ và hãy trân trọng sự tự do của nghệ sĩ. Hãy thấy điều này: nô dịch văn hóa mới thật sự là cái nguy cho văn hóa nước nhà.
----------------------
Nguồn: Fb Mạnh Kim
Nô dịch văn hóa
Reviewed by NaOh
on
10:39:00 AM
Rating:
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.