Thái độ dành cho kẻ xâm lược

duong-khiet-tri

Đón tiếp họ Dương, TBT Nguyễn Phú Trọng với phong thái thân thiện, hiền lành quen thuộc và trong tâm thế "biển Đông không có gì mới", ông vẫn sử dụng những từ ngữ nhẹ nhàng, dễ dãi với kẻ đang chiếm đóng lãnh thổ quốc gia. Theo Thanhnien.com ông TBT đã "...khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc; mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước; đánh giá cao về những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt-Trung trong những năm gần đây." và  "...đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.". Phải chăng VN vẫn đang coi TQ là bạn vàng và xem việc hạ đặt giàn khoan chỉ là một việc nhỏ nên không cần thiết phải phá vỡ "sự ổn định" mà ảnh hưởng đến "đại cục" hai nước !? (sic). Suy nghĩ mãi vẫn không luận ra được có cái "đại cục" nào to lớn và cần bảo vệ hơn sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia. Khi người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã thể hiện thái độ như vậy, thì những cuộc tiếp xúc hội đàm khác chắc chắn sẽ không có được phản ứng mạnh mẽ quyết liệt với kẻ xâm lược là điều dễ hiểu. Và họ Dương, theo Dantri đưa tin, tại các cuộc hội đàm với VN vẫn nhắc lại các luận điểm của TQ: "... nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Biển Đông." Lập trường TQ phải chăng đó là đường lưỡi bò với 80% diện tích biển Đông thuộc về TQ, đó là Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ... Và lời nói đi đôi với việc làm , ngay lập tức TQ đã thể hiện cái "nỗ lực thúc đẩy quan hệ sâu rộng giữa hai nước" bằng việc "đưa thêm 4 giàn khoan vào biển Đông" . Không biết khi nghe lập trường và chứng kiến hành động ăn cướp ấy những người nắm giữ vận mệnh quốc gia nghĩ gì mà vẫn nuôi viễn tượng về hòa bình và ổn định.

Đến đây tôi tự hỏi, đâu là giới hạn cuối cùng cho sự chịu đưng (nhục) của VN?! mà tôi đã hy vọng nó sẽ có tại bài viết trước đây. Trong trả lời phỏng vẫn của ông Chủ tịch nước được các báo đăng tải hôm nay dưới tiêu đề "Chủ tịch nước: 'Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm'" tưởng như Vnexpress đã thể hiện được đây đủ ý chí và tinh thần quyết liệt bảo vệ quốc gia của ông; nhưng thử hỏi việc TQ đặt giàn khoan tại vùng biển thuộc chủ quyền của VN, cùng với lực lược tàu chiến máy bay hàng ngày quân thảo và xua đuổi ngư dân, tàu cảnh sát biển VN có phải là xâm phạm chủ quyền không? Chúng ta đã làm gì để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm thiêng liêng ấy. Hay hàng ngày vẫn để ngư dân đôi mặt với hiểm nguy, vẫn để cho bọn cướp đem tài chiến máy bay tự do hoành hành trong vùng lãnh hải của mình. Đừng bắt nhân dân phải kiên nhẫn "vì đại cục" khi không nhìn thấy một sự thực là tổ quốc của mình đang bị xâm lược bởi kẻ thù truyền kiếp. Thiết nghĩ đến lúc này những ai nghĩ rằng việc nhân nhượng và mềm dẻo trong đối sách để nuôi hy vọng làm dịu (làm nhẹ) tình hình với những cái đầu bá quyền Trung Nam Hải thực sự là thảm họa và rất viển vông, ảo tưởng.

Bài học lịch sử nhượng 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp để mong cầu hòa và để có thời gian chuẩn bị binh lực đối phó của triều đình Huế vẫn còn đó. Lúc ấy triều đình cũng vì đại cục và vì sự ổn định. Nhưng kẻ xâm lược luôn bội tín, trở mặt và cái giá phải trả 80 năm nô lệ "giặc Tây" không hề rẻ chút nào. Đại thần Phan Thanh Giản là người thấm thía nỗi đau ấy, đã lấy chính mạng sống của mình để làm gương cho hậu thế ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.  Trong dân gian vẫn lưu truyền câu : "Phan - Lâm mãi quốc; Triều đình khí dân" mãi buộc vào nhân cách đáng kính của ông như một nỗi ngậm ngùi, đau đớn. Bài học lịch sử đó sẽ không bao giờ cũ cho bất kỳ triều đại nào. Đừng bao giờ mong chờ lòng tốt của kẻ xâm lược để "kiên nhẫn" theo đuổi đàm phán giữ quan hệ. Hồ chủ tịch cũng từng viết: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Chúng ta càng nhân nhượng giặc Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa...". Dã tâm của kẻ muốn cướp biển, đảo của ta đã bộc lô rõ ràng ngang ngược và chà đạp công lý. Quyết tâm cướp biển đảo của kẻ thù đã thể hiện bằng sự phô trương sức mạnh quân sự ngay trên chính vùng lãnh thổ của chúng ta và đang tiếp tục leo thang trắng trợn. Thì sao chúng ta lại chần chừ và nhân nhượng với chúng!?.

Vẫn biết chiến tranh không thể quyết định vội vàng, cẩu thả. Nhưng việc bộc lộ thái độ đúng đắn trước kẻ thù là cần thiết và không thể trì hoãn. Có lẽ chúng ta cần phải học hỏi Phillipine, trong cách hành xử . Từ Tổng thống tới bất kỳ quan chức nào khi đề cập đến hành động ngang ngược của TQ luôn kiên quyết mạnh mẽ và không e dè. Phải kiên quyết bảo vệ tổ quốc bằng tất cả "tính mạng và tài sản"*, bằng bất cứ giá nào chứ không phải chỉ "... đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế." như lời ông Chủ tịch Trương Tấn Sang. Phải như vậy mới có những người bạn tử tế trên trường quốc tế, mới mong đất nước có thế đứng và sự tôn trọng của nước lớn,  chứ không phải với những ngôn từ xã giao thiếu thực tế, nuôi hy vọng hòa hoãn với kẻ cướp như hiện nay. Một thực tế  khôi hài là chúng ta mong bạn bè quốc tế lên tiếng mạnh mẽ lột trần bản chất xâm lược của TQ trong khi chúng ta vẫn coi TQ là bạn, có quan hệ phát triển lành mạnh- ổn định. Trong nước coi biểu tình chống TQ là gây rối, trong khi lại thông tin ủng hộ những cuộc biểu tình diễn ra ở nước ngoài ... Ngạn ngữ có câu: "Cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh biết anh là người như thế nào" . Mình không rõ ràng và thực sự muốn thay đổi thì cũng đừng mong gì có được những người bạn thật sự và rõ ràng.

Tóm lại, đất nước đang ở vào tình thế bị ức hiếp và o bế từ TQ, rât mong các nhà lãnh đạo thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn và bằng mọi giá để kẻ thù phải từ bỏ hành động xâm lẫn vô điều kiện, tất cả phải vì sự trường tồn của dân tộc này. Đại cục của Việt Nam phải là vẹn lãnh thổ không để bất kỳ một kẻ nào xâm lấn và không thể đánh đổi bằng bất kỳ nguyên do nào. Cũng là nguyên tắc bất biến để ứng với cái vạn biến trong dã tâm bành trướng của nhà cầm quyền TQ từ hàng ngàn năm nay. Mong lắm thay!

--------------

* Từ dùng của Hồ chủ tịch.
- Hình sưu tầm trên internet.
Thái độ dành cho kẻ xâm lược Thái độ dành cho kẻ xâm lược Reviewed by NaOh on 6:49:00 PM Rating: 5

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Home Ads