Từ khí Thông Tư của Bộ Công an về phòng chống cháy nổ trên xe ô tô từ 4 chỗ trở lên có hiệu lực từ ngày 6/1/2016, trên các trang mạng và báo chí đã đăng tải nhiều phản ứng của dư luận tỏ ra không đồng tình ủng hộ.
Một qui định lạ lùng
Hôm qua trong chuyến xe về miền Tây, anh tài xế hỏi tôi ở nước ngoài người ta có qui định xe auto 4 bánh phải có bình chữa cháy. Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi và nói rằng ở Úc hay Mĩ không có qui định này; nhưng xe tải hạng nặng (loại chở hàng nhiều tấn) và xe chở nhiều khách thì nhà chức trách yêu cầu phải có bình chữa cháy.Để chắc ăn tôi tìm hiểu thì quả thật VN mới ra qui định xe 4 bánh trở lên phải có bình chữa cháy. Phải nói đây là một qui định hết sực lạ lùng, chẳng giống ai. Ngoài VN, tôi không rõ nước nào có qui định như thế, nhưng dám chắc là rất rất ít. Xe hơi 4 bánh ở nước ngoài là phương tiện đi lại phổ biến như xe gắn máy ở VN. Nếu mỗi xe đều phải gắn thêm bình chữa cháy thì tôi nghĩ sẽ gây ra nhiều phiền toái cho chủ xe và an toàn trở thành một vấn đề, nhất là khi tai nạn xảy ra.
Tôi nghĩ đằng sau qui định này là sự đảm bảo an toàn cho người đi xe khi sự cố xảy ra. Đó là một ý đồ tốt. Nhưng xe hơi ít khi nào bị cháy, ngay cả lúc xảy ra tai nạn. Cho dù có cháy thì cái bình chữa lửa sẽ chẳng có ích gì, chưa nói đến lúng túng trong tai nạn. Thành ra, tôi nghĩ qui định này không có lợi ích kinh tế (cost effective) tốt. Nhưng nó có thể tạo ra một thị trường lớn cho bình chữa cháy, và thị trường thì lúc nào cũng có dỏm và thật. (Cũng giống như vụ nón bảo hiểm). Như vậy, xuất phát từ một ý đồ tốt, nhưng hệ quả có thể là tạo thêm một thị trường cho con buôn, và gây tác động xấu đến an toàn cho người dân.
Thông thường và một cách lí tưởng, Nhà nước ra chính sách dựa trên chứng cứ từ nghiên cứu khoa học. Ví dụ như qui định về thắt dây belt an toàn khi lái xe, người ta đã làm nghiên cứu cho thấy khi tai nạn xảy ra, người thắt belt an toàn có nguy cơ tử vong thấp hơn người không thắt belt an toàn. Và, từ đó qui định thắt belt an toàn được ra đời và áp dụng triệt để. Tôi không rõ chứng cứ cho cái qui định mới này nó xuất phát từ đâu, và chứng cứ nói lên cái gì. Họ có tham khảo ý kiến người dân trước khi đề ra qui định đó? Họ có làm thí nghiệm simulation và xem xét độ an toàn trước khi ra qui định? Hàng loạt câu hỏi cơ bản nhưng không có câu trả lời. Hoạch định chính sách có tác động đến hàng chục triệu người mà không có chứng cứ khoa học (hay không tham khảo ý kiến của người bị ảnh hưởng) là rất dở.
Cái qui định về bình chữa cháy này làm tôi nhớ đến qui định về chiều dài của chân và thể tích ngực để được lái xe. Tôi gọi đùa đó là qui định "ngực nở chân dài", vì chỉ có hoa hậu (hay gần cỡ đó) mới được lái xe! Cái qui định "ngực nở chân dài" đã được rút lại vì sự vô lí và phi khoa học của nó. Tôi nghĩ và chân thành đề nghị Nhà nước nên rút lại qui định về bình chữa cháy cho xe 4 bánh càng sớm càng tốt.
------------------
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn
-----------------------------------------
Còn trên FB của Nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa cập nhật một số hình ảnh có tính hài hước trước quy định "lạ lùng" về phòng chống cháy nổ trên xe ô-tô của Bộ Công An.
--------------------------------------------
Chuyện gì xảy ra nếu bình chữa cháy trên xe lãnh đạo cấp cao phát nổ?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo đặt vấn đề: Chuyện gì xảy ra nếu những chiếc bình chữa cháy trên xe của các lãnh đạo cấp cao phát nổ? Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Thông Tư 57/2015/BCA về phòng chống cháy nổ trên xe ô tô từ 4 chỗ trở lên có hiệu lực từ ngày 6/1/2016 đang gây ra rất nhiều các phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Đây không phải lần đầu tiên một thông tư vừa ra đời đã bị rất nhiều người dân phản ứng, cho dù cơ quan ban hành thì nói là vì sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thông tư không thể đứng trên luật
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều 10/1, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) đã nói thẳng: “Thông tư không thể đứng trên luật, một việc có ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu gia đình thì phải đưa ra Quốc hội thảo luận, phải xin ý kiến của nhân dân chứ không thể áp đặt”.
Xuất phát từ thực tế cũng là người sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nói thẳng, ông không ủng hộ chủ trương này, nhất là khi nó lại mang tính ép buộc người dân.
“Có vị đã nói rằng nghiên cứu tham khảo ở nước này, nước kia nên mới áp dụng vào Việt Nam. Vậy tôi đặt câu hỏi: Số nước có yêu cầu lắp bình chữa cháy trên xe 4 chỗ là bao nhiêu? Có phải là số đông của thế giới không?
Cho đến bây giờ không có bất kỳ quy cách nào chuẩn mực cả, bình to, bình nhỏ, loại bình nào, để ở vị trí nào trong xe…? Mấy chuyện đơn giản như vậy cũng làm loạn cả đời sống của dân, thử hỏi làm sao họ không phản ứng? Hãy thử làm một phiếu điều tra công khai với tất cả các chủ xe ô tô xem có bao nhiêu người ủng hộ cách làm này?”, ông Bảo đặt vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Những chiếc bình trên xe
gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của người dân thì ai chịu trách nhiệm? |
“Trên thực tế, khi xe đã bắt lửa, đa phần người dân sẽ phải thoát thân thật nhanh. Họ có hô hoán thì cũng là để cho người xung quanh biết mà tránh xa ra, chứ không giống như lời của một vị công an chữa cháy nói rằng hô hoán lên để cho xung quanh lao vào dập lửa.
Ai dám xông vào dập lửa ô tô khi mà họ chẳng có tí kỹ năng nào? Rồi những chiếc xe khi bị đâm húc, những chiếc bình này sẽ có va chạm, có gây nguy hiểm không?”, ông Bảo nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng đặt ra một loạt các câu hỏi rất đáng phải suy ngẫm, đó là: Nếu quy định, thì toàn bộ xe ô tô phải trang bị bình chữa cháy, bao gồm cả xe của các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trở xuống cho tới xe của các Bộ trưởng, xe của Đại biểu Quốc hội…
Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm nếu những chiếc bình phát nổ hoặc gián tiếp gây ra các sự cố ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân? Ai phải chịu trách nhiệm nếu có một vị lãnh đạo nào đó cũng bị nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng vì những chiếc bình này trên xe?
Dân thiệt mạng, ai chịu trách nhiệm?
Ông Bảo đặt ra một vấn đề nữa hoàn toàn phù hợp với thực tế: “Tôi thấy có ông cán bộ cấp cao ở Cục phòng cháy chữa cháy khuyến cáo loại bình này phải để ở nơi thoáng mát, cho nên xe ô tô không được để nơi nào khiến nhiệt độ trong xe lên tới 60 – 70 độ.
Vậy tôi đặt câu hỏi: Mùa hè khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ, khi xe tắt máy không được làm lạnh thì nhiệt độ trong xe sẽ phải lên tới mức khiến bình có thể nổ. Đâu phải tất cả các xe đều có thể tìm được chỗ thoáng mát mà đỗ?
Cho dù tìm được một bóng râm, thì lấy gì đảm bảo khí hậu oi bức của miền Bắc, nhất là dải miền Trung không khiến cho nhiệt độ trong xe lên quá 60 độ? Làm như thế này chẳng phải là bắt người dân đối diện với nguy hiểm hay sao? Tức là người ta chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực”.
Ông Bảo nêu thí dụ điển hình là ngay tại sân tòa nhà Quốc hội, kỳ họp diễn ra từ tháng 5 – tháng 6, là giai đoạn nhiệt độ lên rất cao. Nếu bắt buộc trang bị bình chống cháy trên xe liệu có gây nguy hiểm cho Đại biểu Quốc hội không?
“Cả sân tòa nhà Quốc hội, có cả trăm chiếc ô tô phục vụ cho kỳ họp. Mỗi một chiếc xe có lắp một bình chữa cháy, mà lại để ở nhiệt độ nóng khủng khiếp ngoài trời như vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hay là cả trăm cái ô tô ấy phải nổ máy liên tục cả ngày trong lúc đại biểu họp, để bảo vệ an toàn cho mấy cái bình ấy?”.
Cuối cùng, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đặt ra vấn đề đối với các vụ cháy xe trong thời gian qua với hai nguyên nhân cần được làm rõ: “Thứ nhất là do động cơ của xe; Thứ hai là do xăng dầu. Đây là hai vấn đề đã được các nhà khoa học đặt ra, nhưng các cơ quan có trách nhiệm không tìm ra được nguyên nhân rốt cuộc vì cái gì.
Tôi nghĩ rằng, thời gian và công sức nên để vào những việc ấy, hãy làm những việc thực sự có ích với đời sống của dân chứ đừng ngồi phòng lạnh rồi lâu lâu nghĩ ra những chuyện trên trời.
Một sự việc bi hài và không hợp lòng dân như vậy, theo tôi phải xem xét lại. Và, tôi vẫn phải đặt lại câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi những chiếc bình này xảy ra sự cố, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người trên xe, gây thiệt hại cho chủ phương tiện?”.
Minh chứng cho lo lắng của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, chúng tôi xin lưu ý và nhắc lại trường hợp bình cứu hỏa trong xe ô tô nổ tung dù mới mua được một ngày.
Cụ thể, ngày 31/7/2014, khi ấy chưa có quy định bắt buộc phải có bình cứu hỏa trên xe ô tô nhưng cán bộ của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã chủ động đến Siêu thị BigC Long Biên, Hà Nội mua một bình cứu hỏa để trên xe.
Tuy nhiên, đúng 1 ngày sau, chiếc bình cứu hỏa phát nổ dù thời tiết hôm đó không quá nóng.
Rất may, khi bình cứu hỏa nổ, không có ai trong xe nên không gây thiệt hại về người. Nhưng nội thất chiếc xe thì hư hỏng nặng, thiệt hại vật chất hàng chục triệu đồng.
Sự việc cho đến nay, chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm, kể cả đơn vị cấp bình cứu hỏa cũng như Siêu thị BigC nơi bán chiếc bình cho người tiêu dùng.
Ngọc Quang
------------------
Nguồn: giaoduc.net
========================
NHỮNG NGƯỜI CÓ Ô TÔ VÀ CẢ BỘ CÔNG AN CẦN BIẾT ĐIỀU NÀY
Bình chống cháy mà Bộ Công an yêu cầu lái xe ô tô mang theo xe có ghi những cảnh báo bằng hơn cả chục thứ tiếng (nhưng tiếc thay không có tiếng Việt cho các quan chức công an đọc), trong đó có 1 đoạn tiếng Anh như sau: Content is under pressure. Protect from sun rays and do not expose temperature over 50 C. Do not punch nor burn the container after use. Keep out of reach of children, keep away sources of ignition. Có thể dịch ra tiếng Việt như sau: Chất chứa bên trong có áp suất. Tránh phơi ra nắng hay đặt trong nhiệt độ cao hơn 50 độ C. Không đục cũng như đốt bình sau khi dùng. Giữ xa khỏi trẻ con, tránh những nguồn tạo tia lửa.
Như vậy nếu đem một cái bình trên một chiếc xe ô tô chạy rung lắc suốt ngày, phơi nắng nóng (vì phải để ngoài đường) thì khác gì mang quả bom đặt trong xe. Vì thế nên các nhà sản xuất ô tô không khuyến cáo đem theo bình cứu hoả vì xe con thể tích rất nhỏ, khó để chỗ nào an toàn để tránh nhiệt độ cao.
Nếu bình chữa cháy bị nổ trong xe thì người thiệt bị hại không thể bắt Bảo hiểm đền vì đã không nghe theo lời khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, những người bị thiệt hại có thể kiện Bộ Công an dựa trên những quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 theo các điều khoản sau:
- Trong trường hợp bình chữa cháy nổ làm chết người hay bị thương tích thì căn cứ vào:
Điều 99. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm
Điều 109. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
- Trong trường hợp bình chữa cháy nổ làm hỏng xe thì căn cứ vào:
Điều 145. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Tuy nhiên các cụ đã nói: Được vạ thì má đã sưng! Vì vậy các chủ xe phải biết tuỳ cơ ứng biến để khỏi bị xử phát nhưng lại bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của mình, đặc biệt hiện nay trên thị trường trôi nổi rất nhiều bình chữa cháy dởm của Trung Quốc. Tốt nhất là mua bình chữa cháy xong xì ra trước khi bỏ vào xe, nếu bị kiểm tra thì bảo là vừa sử dụng do có sự cố.
--------------------------
Nguồn: FB Đức Bảo Phạm
Dư luận không ủng hộ quy định "trang bị bình chữa cháy trên xe ô-tô"
Reviewed by NaOh
on
8:53:00 PM
Rating:
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.